Nói về những lý do để chuyển vụ việc hồ sơ vụ gian lận thương mại của Khaisilk sang cơ quan điều tra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các dấu hiệu vi phạm cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc cũng như sự phức tạp trong quan hệ giữa tập đoàn Khaisilk với các cửa hàng trực thuộc…
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã chỉ đạo thanh kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng của Khaisilk trên toàn quốc
Bên hành lang Quốc hội sáng nay (31/10), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế, sau khi có báo cáo tổng hợp của các lực lượng chức năng, Bộ Công Thương cũng nhận định tình hình trên cơ sở với những dấu hiệu, chứng cứ về vi phạm của tập đoàn Khaisilk để đưa ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc liên quan tới Tập đoàn Khaisilk sang cơ quan điều tra – Công an TP. Hà Nội để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, sau cuộc họp khẩn vào chiều qua, 30/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến quyết định này. Đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, sau khi có báo cáo tổng hợp về vụ việc liên quan đến Tập đoàn Khaisilk của các cơ quan chức năng, trong đó có báo cáo từ các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, cộng thêm các thông tin, dấu hiệu, chứng cứ vi phạm pháp luật của Khaisilk cho thấy các hành vi vi phạm của doanh nghiệp này cũng như các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk là nghiêm trọng.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Công Thương, những dấu hiệu vi phạm của Khaisilk được xác định là nghiêm trọng đối với một doanh nghiệp lớn, đã có danh tiếng, uy tín trên thị trường như vậy. Các dấu hiệu vi phạm có ở các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk.
“Việc làm giả nhãn mác cho những sản phẩm tiêu thụ ở đây làm hại đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ luỵ khác nhau. Xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, ngoài việc thẩm định giá, chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Đặc biệt, xét tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, xét quy mô cũng như mức độ thiệt hại gây ra của hành vi vi phạm này vượt quá mức 30 triệu đồng (theo quy định về xử lý vi phạm hành chính), vụ việc đã đủ căn cứ, điều kiện để chuyển cho cơ quan điều tra kinh tế để làm rõ vụ việc” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Vị tư lệnh ngành Công Thương cũng thông tin, yếu tố khác để đưa ra quyết định này là từ báo cáo của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội - Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, có thể thấy sự phức tạp trong mối liên hệ giữa tập đoàn Khaisilk và các cửa hàng trực thuộc của tập đoàn này cũng như cửa hàng cụ thể tại số 113 Hàng Gai trong việc kinh doanh các sản phẩm có nhãn mác giả.
Theo đó, Bộ Công Thương nhận định, cần phải có lực lượng chức năng đủ thẩm quyền, năng lực để làm rõ tính chất vi phạm của Khaisilk trong hoạt động kinh doanh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Chính vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì với sự tham gia của các bộ ngành, các lực lượng chức năng khác như Tổng Cục thuế - Bộ tài chính, Bộ KH-CN, Ban Kinh tế TƯ, đại diện Hiệp hội Dệt may, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… có trách nhiệm thực hiện việc xác minh, thanh tra, làm rõ các hoạt động, dấu hiệu vi phạm trên toàn bộ hệ thống các cửa hàng thuộc tập đoàn Khaisilk” .
Theo P.Thảo/Dân Trí