Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 đến 6,7%.
Năm 2018, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung cho các mục tiêu trung hạn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Lạc quan và tin tưởng vào các chỉ tiêu Chính phủ đưa ra, song các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 đến 6,7%. Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang, ngoài chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng thì một chỉ tiêu quan trọng sẽ quyết định chất lượng của nền kinh tế, đó là vấn đề giải quyết việc làm và giải quyết tình trạng thất nghiệp.
"Tôi cho rằng để nền kinh tế đi đúng mục tiêu, chất lượng, ổn định kinh tế vĩ mô thì nên đưa chỉ tiêu về thất nghiệp và giải quyết việc làm vào chỉ tiêu chủ yếu để Chính phủ có các giải pháp đồng bộ, để giải quyết căn cơ" - bà Mai Thị Ánh Tuyết cho biết.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết
Các đại biểu cũng cho rằng, chỉ tiêu của Chính phủ trình Quốc hội lần này có nhiều chỉ tiêu thấp hơn so với năm 2017 như xuất nhập khẩu năm 2017 là 14,4%, thì sang năm 2018 là 7 - 8%; chỉ tiêu bội chi ngân sách năm 2017 là 3,5% thì sang năm 2018 là 3,7%...
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị cho rằng, Chính phủ phải giải trình một cách thấu đáo để thấy rằng, chúng ta hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế đi vào chiều sâu và chất lượng thì buộc phải có những chỉ tiêu chậm lại.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh- Đoàn Quảng Trị.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh: "Trong năm 2017 thì mặc dù chúng ta có tăng trưởng nhưng tôi cho rằng tính bền vững chưa phải là cao lắm. Tất cả mọi thứ chúng ta cũng chỉ là gia công, mặc dù là chúng ta GDP cao nhưng giá trị thật của Việt Nam được bao nhiêu. Vậy muốn nền kinh tế bền vững thì chúng ta phải phát triển chính doanh nghiệp trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Tức là tiền của người Việt nam, chủ là người Việt Nam, mang lại giá trị mới cho người Việt Nam đó mới là bền vững".
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn Đồng Tháp cho rằng, mức đầu tư công hiện nay tương đối cao. Mặt khác, đối với các dự án thua lỗ kéo dài cũng cần có biện pháp xử lý, quy trách nhiệm rõ ràng. Đại biểu này kiến nghị:
Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đồng Tháp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị: "Một vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế xã hội năm 2018 mà tôi quan tâm đó là cổ phần hóa các doanh nghiệp. Thời gian qua, vấn đề cổ phần hóa rất chậm, còn những thủ tục mà chúng ta chưa giải quyết, xử lý thấu đầu được.
Phần lớn những doanh nghiệp hiện nay thua lỗ là từ doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, nếu chúng ta cổ phần hóa được những doanh nghiệp này thì đầu tư công trong lĩnh vực của ngân sách sẽ không còn nữa. Từ đó, chúng ta sẽ thu lại một số tiền tương đối lớn để tập trung đầu tư cho lĩnh vực khác".
Những khó khăn đang còn hiện hữu của năm 2017 cũng cần được các đại biểu phân tích rõ, để có thể đưa ra mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế trong năm 2018 sát thực với điều kiện thực tế đất nước./.
Theo Hà Nam - Minh Hường/VOV.VN