Vụ Khaisilk đã giáng mạnh một đòn mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, kiểu thay mác này không chỉ hàng thương hiệu mà hàng chợ cũng đều có cả, thậm chí một số hãng tên tuổi khác cũng là “trùm” trong việc này.
Không riêng gì khăn lụa Khaisilk, sự tràn lan của các loại hàng hoá tiêu dùng, gia công chất lượng nhập nhèm có xuất xứ từ Trung Quốc được “đội lốt” thành hàng “Made in Vietnam” để qua mặt khách hàng đang khá phổ biến.
Sự lừa dối này không chỉ gây thiệt hại cho bản thân khách hàng, mà lớn hơn, còn gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, ảnh hưởng lớn tới hình ảnh các doanh nghiệp Việt nói chung. Sự bất công thể hiện rõ ở việc nhiều nhà sản xuất phải kỳ công gây dựng hình ảnh, thương hiệu, sản xuất hàng hóa,...trong khi một số “nhà sản xuất” khác chỉ việc ngồi…đính mác.
Anh M. là chủ một doanh nghiệp may ở Long Biên, Hà Nội cho biết: “Không riêng gì khăn, mình biết vài hãng quần áo nổi tiếng ở Việt Nam, hoặc các chuỗi cửa hàng thời trang thương hiệu cũng nhập hàng Trung Quốc về để thay mác, nhưng mình không tiện nói tên.”
“Điều đó là sự thật bởi, trước đó, mình đã thay mác áo vest cho một thương hiệu thời trang có tiếng ở Hà Nội với đơn giá 3.500 đồng/mác. Lập tức hô biến từ hàng Trung Quốc thành hàng của thương hiệu đó sản xuất”, anh M. cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo anh M.: “Việc này khá kín đáo, phải thân quen hoặc đang làm hàng cho họ thì mình mới thay, chứ không nhận mỗi việc thay mác đó. Mà thay thì đa phần chỉ thay nhãn cổ áo vì vải Trung Quốc không đúng thành phần nên thường bỏ nhãn sườn (nhãn sườn là nhãn thành phần). Tuy nhiên, các hãng lớn để tăng uy tín thì vẫn thay cả nhãn sườn.”
Mác giả có in "Made in Vietnam" do anh M. cung cấp
“Nhãn sườn thường chỉ mất 1.200 đồng/mác công thay, còn nhãn chính thì dao động từ 1.000 – 1.500 đồng/mác tùy theo giao dịch và số lượng. Ngay cả mặt hàng váy hay đồ công sở của chị em phụ nữ cũng dính tình trạng này, thậm chí còn là thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Mỗi mác váy thay cũng chỉ mất khoảng 2.000 đồng/mác”, anh M. chia sẻ.
Anh M. cho rằng: “Tình trạng này cũng hay có ở các shop quần áo có chút tên tuổi, 1 container hàng về thẳng các xưởng, công nhân thay trong khoảng 1 ngày đêm là xong rồi mang phân phối đến các cửa hàng trong chuỗi hoặc khách buôn. Tất nhiên, hàng đó chất lượng cũng không tệ, cũng là hàng đẹp thì mới bán được."
“Có một nơi cung cấp rất nhiều mác giả này là Hàng Bồ, ở đó bán mác làm sẵn cho những ai cần thay. Nhưng nếu cần mác đẹp, giống thật thì phải đặt. Việc đóng nhãn thường đi kèm với đóng gói. Tiền đóng gói sẽ mất thêm từ 1.000 - 3.000 đồng/cái nữa. Tính tổng cộng, để hô biến từ 1 cái quần áo hàng Trung Quốc sang hàng Việt mất khoảng 5.000 - 7.000 đồng/cái cho hàng chuẩn, còn hàng chợ thì mất từ 2.000 - 4.000 đồng/cái. Sau đó, nghiễm nhiên giá bán tăng gấp 1,5 - 1,8 lần, bán buôn thì gấp 1,2 lần. Kiểu thay mác này không chỉ hàng thương hiệu mà hàng chợ cũng đều có cả, thậm chí còn nhiều hơn”, anh M. cho biết thêm.
Ngoài quần áo ra, giày dép cũng không thoát khỏi vòng xoay của những chiêu trò này. Từ một người quen chuyên nhập đồ từ Quảng Châu về, PV đã mua được một đôi giày với giá 360.000 đồng, nhưng lạ thay, nó cũng được đính mác “Made in Vietnam”...
Đôi giày được nhập về từ Trung Quốc cũng được gắn mác Made in Vietnam
Người buôn này cho biết: “Do đã là khách quen nên mình có thể đặt mác theo ý muốn của mình. Mác các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas,...đều có. Ngoài ra, muốn là mác gia công ở Việt Nam “Made in Vietnam” cũng không có gì khó. Họ làm được hết và tất cả đều nằm trong giá thành phẩm.”
Mác thật của một đôi giày chính hãng được mua tại một cửa hàng được ủy quyền của Nike trên đường Nguyễn Thái Học
Không chỉ quần áo, giày dép, khăn mà còn rất nhiều thứ khác bị đóng mác Việt Nam như cặp, túi da,...nhưng PV chỉ điểm qua những mặt hàng thông dụng nhất hiện nay. Nhiều DN làm ăn gian dối, nhưng vẫn còn đó rất nhiều DN Việt khác tạo dựng được thương hiệu, sản xuất được hàng hóa từ chính sức lao động của mình.
Vì thế, người tiêu dùng cũng không nên quay lưng với hàng Việt. Các DN cũng nên bằng cách nào đó truyền cảm hứng, truyền thông điệp tới người tiêu dùng về những hàng hóa Made in Vietnam thật tới khách hàng, không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Theo Thế Hưng/Dân Trí