Môi giới chào đất quận 2 (TP HCM) nhưng đẩy khách đi tận Long Thành (Đồng Nai) rồi cài bẫy đặt cọc kiểu chụp giật.
Tháng 6/2017, bà Kim đọc được một mẩu tin rao bán đất quận 2 và nhanh tay liên hệ với nhân viên môi giới để đi xem đất. Cuộc hẹn diễn ra vào một sáng chủ nhật, tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, công ty địa ốc có xe đưa đi tham quan. Khi khách đã lên xe, dọc đường đi, bà Kim được thông báo sẽ tham quan dự án tại Long Thành (Đồng Nai) chứ không phải ở quận 2.
Sự đã rồi, trên xe có nhiều người đồng ý đi Đồng Nai nên bà Kim cũng ngại phản đối, đành chấp thuận đi xem cho biết. Xe đưa khách đến dự án, môi giới thuyết phục người mua đặt cọc trước, về văn phòng sẽ xuất trình sổ đỏ từng lô. Vào guồng tranh mua tranh bán, bà Kim đặt cọc 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến khi về văn phòng của công ty này trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP HCM, thì khách phải đóng tiếp khoản tiền cọc 625 triệu đồng, nếu không nộp thêm phải chịu mất cọc 50 triệu đã đóng trước đó. “Lần đầu tiên tôi rơi vào bẫy lừa kiểu này. Tôi không hiểu vì sao cách làm bất động sản chộp giật như chợ trời vẫn được tồn tại”, bà Kim bức xúc nói.
Khách hàng mặc áo vàng đang treo băng rôn tố một công ty môi giới địa ốc có hành vi bán đất kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".
Cũng dính quả lừa chả kém gì bà Kim, một nhà đầu tư tên Hồng được môi giới chào một dự án sinh thái tại Nhơn Trạch nhưng mãi đến khi đóng 1,25 tỷ đồng mua 5 nền đất khách mới biết dự án này đã bị đổi thành tên mới để thoát xác khỏi dự án cũ. Đơn vị môi giới tự thêm vào nhiều tiện ích để chào hàng hấp dẫn và không chuyển thông tin khách hàng về cho chủ đầu tư. Đã thế, nếu thanh lý hợp đồng, khách phải mất toàn bộ tiền số tiền đã đóng.
May mắn hơn những nhà đầu tư trên, anh Việt đã thoát bẫy vì sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nhà đầu tư này tiết lộ, trong quý III/2017, đọc được một mẩu quảng cáo trên mạng xã hội chào bán nhà phố cách chợ Bình Chánh 2km, giá 720 triệu đồng, anh đã liên hệ ngay lập tức vì giá khá mềm. Thế nhưng, khi tiếp xúc, tìm hiểu thì khách vỡ lẽ ra, vị trí nhà đất nằm ở Long An, cách bến xe quận 8, TP HCM, khoảng 40km.
Còn anh Hưng chia sẻ đã 2 lần dính bẫy môi giới chào đất trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2) và khu Tăng Nhơn Phú (quận 9) nhưng sale bất động sản đã lùa khách lên xe chở xuống gần khu sân bay Long Thành. để bán một dự án hoàn toàn không liên quan đến tin quảng cáo.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho biết, trên thị trường bất động sản Sài Gòn và các tỉnh phía Nam thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều trường hợp buôn bán bất động sản kiểu treo đầu dê bán thịt chó, quảng cáo một đằng nhưng bán hàng một nẻo với đủ hình thức bán buôn chộp giật. Đây là hoạt động kinh doanh có dấu hiệu lừa đảo, là những con sâu làm rầu nồi canh, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Ông Châu cho biết, các hành vi lừa đảo này ngày càng tinh vi với nhiều chiêu trò ít ai ngờ tới. Từ việc rao bán bất động sản Sài Gòn nhưng bắt khách lên tận Đồng Nai, Long An hoặc một vị trí khác cách xa nơi quảng cáo; đến huy động lực lượng chim mồi bẫy khách đóng tiền cọc ngay nhanh với ràng buộc nếu không đóng tiếp thì mất cọc.
Một số công ty môi giới còn tự đổi tên dự án để làm mới sản phẩm nhằm qua mặt khách hàng. Thậm chí sale còn tự quảng cáo về những tiện ích ảo, không có thật. Ngoài ra còn có hiện tượng môi giới nhận tiền của khách nhưng không chuyển thông tin và tiền về cho chủ đầu tư hoặc kê giá lên cao hơn rất nhiều so với giá gốc để ăn chênh lệch…Đáng ngại nhất là hành vi đe dọa, thách thức khách hàng khi người mua phát hiện ra các dấu hiệu lừa đảo.
Chuyên gia này phân tích, các chiêu trò, mánh khóe này vi phạm vào điều cấm trong Luật Kinh doanh Bất động sản. Tuy nhiên, luật hiện hành chưa có điều khoản nào chế tài các hành vi tiêu cực này. Do đó, có nhiều vụ việc khách hàng khởi kiện ra tòa và tố cáo lên các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cảnh sát điều tra nhưng chưa đi đến kết quả cuối cùng.
Theo ông Châu, cách duy nhất hiện nay Hiệp hội có thể làm là tuyên truyền, cảnh báo về các hoạt động lừa đảo, trái pháp luật này đồng thời nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng trên các địa bàn xảy ra sự việc nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội cũng khuyên nhà đầu tư địa ốc nên chủ động trang bị cho mình lớp áo giáp bảo vệ khi tham gia thị trường địa ốc để trở thành người tiêu dùng thông minh. Đó là tăng cường khảo sát thực tế, tích lũy kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực địa ốc, thường xuyên sử dụng sự tham vấn của luật sư và các chuyên gia bất động sản để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Theo Vũ Lê/VnExpress