Tính đến hết ngày 15/9, Việt Nam đã chi khoảng 3,65 tỷ USD nhập xe nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Tính trung bình, mỗi ngày người Việt bỏ ra khoảng 325 tỷ đồng để nhập khẩu mặt hàng đặc biệt nói trên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ô tô - mặt hàng tiêu thụ đặc biệt trong thời gian qua đã tăng mạnh so với thời kỳ trước, điều này đã và đang khiến cho nhập khẩu của Việt Nam tăng vọt.
Nhập linh kiện tăng nhiều so với nhập xe nguyên chiếc
Cụ thể, về nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc, tính đến hết ngày 15/9, cả nước nhập khẩu 68.000 chiếc xe, mỗi ngày có gần 300 chiếc xe nhập vào Việt Nam, trị giá khoảng nhập khẩu mỗi ngày gần 130 tỷ đồng. Trong đó nhập khẩu xe con chiếm khoảng 50%, mỗi ngày chi khoảng 65 tỷ đồng.
Đối với nhập khẩu linh kiện, đây là mặt hàng có kim ngạch lớn hơn nhiều, tính đến hết 15/9, cả nước chi khoảng 2,2 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng) nhập linh phụ kiện cho ô tô, trung bình mỗi ngày cả nước chi gần 200 tỷ đồng nhập các linh kiện này phục vụ cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Về số liệu nhập khẩu, theo báo cáo việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chủ yếu từ các thị trường mới như Thái Lan, Indonesia với lượng nhập và kim ngạch tăng từ 50 - 70% so với 2 năm trước. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhập khoảng 25.000 xe nguyên chiếc từ Thái Lan; trong khi đó xe Indonesia khoảng 17.000 chiếc, trong khi đó xe nguyên chiếc nhập từ các nước như: Đức, Pháp, Nga, Mỹ hiện đã giảm khá nhanh từ vài trăm chiếc đến cả nghìn chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải thích của các chuyên gia kinh tế, việc gia tăng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia do hệ quả của việc giảm thuế nhập khẩu từ mức 40% xuống 30% (từ 1/7/2017) đã khiến giá xe ô tô nhập về giảm hơn, trong khi đó các dòng xe dung tích xi lanh nhỏ dưới 2.0L được giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ 40% xuống chỉ còn 35% năm 2017 và năm 2018 sẽ được giảm xuống 30%.
Việc giảm thuế, trong khi nhu cầu xe trong nước đang cao, giá xe tại Việt Nam cao hơn so với các nước khu vực đã thúc đẩy các DN trong nước, nhà nhập khẩu nước ngoài đẩy mạnh nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc. So với cùng kỳ năm 2015, lượng xe con hơi nhập vào Việt Nam đã tăng khoảng 5.000 chiếc, mức tăng trưởng 20%.
Linh kiện xe con nhập chủ yếu từ Hàn, Nhật
Về linh kiện phụ tùng, Việt Nam đã chi khoảng 50.000 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày chi hơn 200 tỷ đồng nhập khẩu phục vụ cho các nhà máy sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, linh kiện phụ tùng ô tô, Việt Nam hiện phụ thuộc lớn nhất 4 thị trường là Hàn Quốc (530 triệu USD), Trung Quốc (425 triệu USD), Nhật Bản (400 triệu USD), và Thái Lan 340 triệu USD), các thị trường khác như Đức, Mỹ chiếm lượng rất nhỏ mặc dù tại Việt Nam có các nhà máy lắp ráp xe của Mỹ (Ford) hay Mercedes (Đức).
Hiện Hàn Quốc là nhà cung cấp linh kiện lớn nhất của ngành công nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn thứ 2, Nhật Bản đứng thứ 3. Theo nhiều chuyên gia về ô tô, nhập khẩu linh kiện ô tô con hiện nay chủ yếu tập trung ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Indonesia; trong khi nhập khẩu linh kiện xe tải chủ yếu nhập từ Trung Quốc bởi Trung Quốc hiện có nhiều nhà phân phối linh kiện lớn với giá rẻ hơn so với các đối tác từ Nga, Đức và Nhật.
Hiện thuế nhập khẩu linh kiện ô tô từ Nhật về Việt Nam chưa được giảm, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện của Hàn Quốc về Việt Nam đã được giảm xuống 0% nếu nhập linh kiện rời là động cơ, còn nhập toàn bộ linh kiện theo lô vẫn bị đánh thuế.
Từ năm 2018, các xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam sẽ được bỏ thuế, trong khi đó thuế linh kiện nhập khẩu vẫn chưa được bãi bỏ thuế nhập, đồng thời vẫn bị đánh thuế TTĐB, đây là điều có thể khiến các DN trong nước gặp khó khăn, tăng chi phí sản xuất xe trong nước.'
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí