Chưa đầy 4 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2017 và xuất khẩu vẫn khẳng định vai trò là động lực chính của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định. Điều này cho thấy tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu trong sự phát triển của nền kinh tế, là đầu ra tương đối ổn định cho sản xuất trong nước.
Dây chuyền may mặc xuất khẩu tại Bình Dương. (Ảnh: Hải Âu/TTXVN)
Từ khả quan...
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 18,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng qua của cả nước lên mức 133,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 37,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,7 tỷ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu), tăng 18,9%.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản và đạt giá trị 2,35 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, để đạt được thành tích này phải kể tới việc phát triển, mở cửa thị trường trong thời gian đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Đáng chú ý, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Australia (vải, xoài và mới đây là thanh long).
Cùng với đó, gạo cũng là một trong những mặt hàng tăng trưởng cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016 tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Bangladesh. Đáng mừng là không chỉ tăng hợp đồng tập trung mà mặt hàng gạo còn góp phần gia tăng các hợp đồng thương mại cũng như tăng trưởng ở các khu vực thị trường mới nhiều tiềm năng.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian này các thị trường xuất khẩu chính có mức tăng tương đối mạnh. Với thị trường châu Á, dù là thị trường truyền thống nhưng xuất khẩu 8 tháng lại có mức tăng khá (24,5%) so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 50,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ như tại thị trường khu vực châu Âu có mức tăng xấp xỉ 12%. Vì thế, các nhà xuất khẩu cần tiếp tục tận dụng các cam kết, ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tiếp tục khai thác thị trường này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thương mại cũng thừa nhận, mặc dù kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng cao, đạt 17,8 tỷ USD, tăng 2,3% trong tháng 8 nhưng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng cần nhập khẩu, là đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu như máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và giải ngân các dự án đầu tư.
Hơn nữa, nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư tăng cộng thêm giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng so với cùng kỳ đã kéo theo kim ngạch nhập khẩu tăng cao như giá xăng dầu tăng 26,7%, giá than đá tăng 51%, giá sắt thép tăng 38,6%...
Không những vậy, nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2016 ở mức thấp nên khi so sánh với cùng kỳ năm nay sẽ có mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, nhập khẩu năm 2016 tăng dần vào cuối năm do vậy, dự báo tăng trưởng nhập khẩu cả năm 2017 sẽ ở mức thấp hơn so với mức tăng trưởng của 8 tháng.
Việc nhiều dự án đầu tư đã giải ngân xong cũng sẽ làm giảm đà nhập khẩu mặt hàng máy móc thiết bị trong những tháng cuối năm.
... Đến nắm bắt cơ hội
Hiện hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN… hàng hóa Việt cũng bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh…
Theo dự báo của các chuyên gia, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt 200 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với mức thực hiện năm trước, cao nhất từ trước đến nay.
Đáng lưu ý, tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới dự kiến sẽ còn rất dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sở hữu rất nhiều loại hàng hóa có thế mạnh và ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng như: nông, thủy sản, linh kiện điện thoại, hàng dệt may… Quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu kịp chuyển mình và nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường.
Đơn cử, xét về cơ cấu thị trường, Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị thế là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng Việt. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này là xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Điển hình như các quy định về dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo, quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh đối với thủy sản hay chương trình thanh tra cá da trơn đã tác động không nhỏ đến xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam thời gian qua.
Vì thế, Bộ Công Thương khuyến cáo, về lâu dài cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường này.
Kế đó, ASEAN và Trung Quốc được nhận định tiếp tục là những thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc nhập khẩu tương đối nhiều hàng hóa của Việt Nam thì Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN khó khăn hơn bởi sự tương đồng về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung năng lực sản xuất và chế biến tinh, nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả để thâm nhập mạnh hơn vào các khu vực thị trường này, qua đó khai thác triệt để lợi thế về khoảng cách địa lý, tiết giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng.
Riêng đối với một số thị trường quan trọng khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, các chuyên gia gợi ý, các nhà xuất khẩu cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, nhất là sự an toàn cho người tiêu dùng.
Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chương trình hành động của ngành công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng sản xuất.
Đặc biệt, thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới./.
Theo TTXVN/Vietnam+