Từ ngày 1/1/2018, trên thị trường sẽ chỉ tồn tại hai loại xăng gồm xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Tuy vậy, đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 9% cửa hàng bán xăng sinh học.
Cửa hàng trực thuộc Petrolimex bán xăng sinh học E5 RON 92. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc chuyển đổi này.
Xung quanh vấn đề trên, ông Phan Thế Ruệ đã có trao đổi với VietnamPlus về lộ trình thực hiện thay thế xăng khoáng RON 92 bằng xăng sinh học E5 RON 92 của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
[Petrolimex triển khai bán xăng E5 thay thế RON 92 từ đầu năm 2018]
- Ông đánh giá thế nào về việc chuẩn bị của các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện lộ trình thay thế xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018?
Ông Phan Thế Ruệ: Đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Chính phủ, với tình hình hiện nay của thị trường xăng dầu thế giới, nhiều nước cũng giảm bớt việc kinh doanh các sản phẩm có chỉ số thấp và thay vào đó là các mặt hàng có tiêu chuẩn cao, từ E10 thậm chí E15, trong khi Việt Nam mới chỉ là E2.
Mặt khác, đến năm 2040-2050 rất nhiều nước có chủ trương bỏ xăng khoáng và đi vào các thiết bị động cơ chạy bằng điện, do vậy việc thay thế cũng nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Thực tế, Việt Nam vẫn đang đi chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới nên phải nhanh chóng loại bỏ những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nhất là không khí...
Từ ngày 1/1/2018, Chính phủ "xóa" xăng khoáng RON 92 và thay vào đó chỉ sử dụng xăng E5 RON 92 và xăng RON 95, điều này phù hợp với tình hình và khả năng vẫn thực hiện được.
Về phía doanh nghiệp, mặc dù còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc chuyển đổi này, đơn cử Petrolimex vừa có chỉ thị các đơn vị thành viên và đại lý của họ bắt đầu thực hiện từ 1/1/2018 thực hiện lộ trình thay thế hoàn toàn xăng RON 92 bằng xăng E5 RON 92. Như vậy, từ năm 2018, trên thị trường chỉ còn 2 loại xăng là E5 RON 92 và xăng RON 95.
- Năng lực và điều kiện của các doanh nghiệp khác nhau, vậy theo ông, các doanh nghiệp nhỏ đang vướng những gì?
Ông Phan Thế Ruệ: Theo tổng kết của Bộ Công Thương, trong thời gian qua mới chỉ có 8-9% số lượng các cửa hàng bán xăng E5 RON 92, đây không phải là chỉ số thấp, thực tế một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ đã bán 100% xăng sinh học E5 RON 92 hơn 1 năm nay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không đồng đều, một số trạm phối trộn xăng dầu bước đầu còn khó khăn, đặc biệt một số doanh nghiệp nhỏ sẽ khó về vấn đề kinh phí trong việc đầu tư các trạm này.
Cụ thể, thiết bị phối trộn Việt Nam có thể sản xuất được nhưng khi đầu tư vào cũng cần một số tiền tương đối lớn và điều này doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn.
Hơn nữa, hệ thống phân phối, bán lẻ, doanh nghiệp phải tập trung đầu tư vào việc xử lý về mặt kỹ thuật, khoa học, công nghệ để biến những cột bơm xăng RON 92 cũ thành những cột bơm xăng E5 RON 92 và doanh nghiệp phải có kinh phí để chuyển đổi.
Ở góc độ vĩ mô, theo tôi để ổn định trong việc cung cấp mặt hàng này, điều trước tiên phải đảm bảo đủ nguồn cung Ethanol trong nước, giá Ethanol phải cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn so với Ethanol nhập khẩu để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.
Thực tế, việc sản xuất Ethanol trong nước vẫn chủ yếu bằng nguyên liệu từ sắn vẫn chưa thể sản xuất được từ đậu, ngô... trong khi các nước trên thế giới sản xuất Ethanol với giá thành rất thấp và là câu chuyện phải tính toán kỹ, nhất là cần quy hoạch vùng nguyên liệu có thể đáp ứng đủ với giá thành cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
- Khi chuyển đổi từ RON 92 sang E5 RON 92 sẽ tác động như thế nào đến giá xăng trong nước?
Ông Phan Thế Ruệ: Nếu hiện nay, chúng ta không giảm đầu vào Ethanol sản xuất trong nước, cộng với chi phí pha trộn thì chắc chắn, giá thành của xăng E5 RON 92 sẽ cao hơn mức bình thường, đây là vấn đề cần xử lý, tức là chính sách giá với Ethanol phải cạnh tranh để giá đầu vào của xăng E5 RON 92 mới thấp được.
Năng lực sản xuất trong nước hiện có thể đáp ứng được 40.000-50.000 tấn Ethanol nhưng có thể không bán được, do vậy phải xử lý nguồn nguyên liệu đầu vào để doanh nghiệp thuận lợi.
Thực tế, với nền kinh tế thị trường, Nhà nước không thể ép doanh nghiệp mua Ethanol với giá cao được và làm như vậy chỉ có hại cho phát triển mà thôi.
- Lộ trình thay thế xăng khoáng RON 92 bằng xăng sinh học E5 RON 92 đã có từ lâu, nhưng tại sao việc thực hiện lộ trình này liên tục bị chậm, thưa ông?
Ông Phan Thế Ruệ: Chủ trương sử dụng xăng E5 đã có từ năm 2007, đến nay đã được 10 năm, nhưng có vẻ như từ giai đoạn 2007-2012 việc thực hiện vẫn chưa được quyết liệt.
Có 3 vấn đề cần đề cập, đó là việc hình thành các dự án Ethanol trong nước còn chậm, không hiệu quả, thậm chí có dự án bị đổ vỡ, đơn cử như dự án sản xuất Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước và Ethanol Phú Thọ bị tắc trong thời gian vừa rồi.
Không những thế, doanh nghiệp còn khó khăn, việc đầu tư mới 1 cửa hàng xăng dầu cũng không dễ, chi phí đầu tư cao.
Và cuối cùng là công tác tuyên truyền đến với người tiêu dùng vẫn chưa được liên tục, nhiều khách hàng chưa biết công dụng của xăng E5 nên sử dụng còn hạn chế. Chủ yếu dùng cho xe máy, trong khi ôtô còn sử dụng ít, do vậy phải tập trung tuyên truyền.
Nếu những vấn đề trên được giải quyết đồng bộ, chắc chắn việc đưa vào sử dụng xăng sinh học E5 RON 92 nhằm thay thế xăng khoáng RON 92 sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn, không phải kéo dài đến năm 2018.
- Với lộ trình này, doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng E5 về bán trong nước không, thưa ông?
Ông Phan Thế Ruệ: Đây là quyền của doanh nghiệp, nếu như mua trong nước giá không cạnh tranh thì doanh nghiệp có thể nhập khẩu về pha trộn.
- Xin cảm ơn ông./.
Theo Đức Duy (Vietnam+)