Trung bình giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang thị trường các nước 8 tháng đầu năm 2017 vào khoảng 408 USD/tấn (9,3 triệu đồng), nhưng giá bán dầu thô Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt mức 400 USD/tấn (9,1 triệu đồng). Với 1,7 triệu tấn dầu thô được Trung Quốc mua, Việt Nam mất hơn 340 tỷ đồng vì tiền chênh giá.
>> Giá trị xuất khẩu rau quả tiếp tục "vượt mặt" lúa gạo, dầu thô
>> Trung Quốc mua 50% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam
Đây là số liệu xuất khẩu một số mặt hàng trọng điểm của Việt Nam trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Cụ thể, tình hình xuất khẩu dầu thô của Việt Nam 8 tháng qua đạt hơn 4,9 triệu tấn, kim ngạch 2 tỷ USD, trong đó xuất sang Trung Quốc là 1,7 triệu tấn (chiếm gần 35% sản lượng), kim ngạch là 680 triệu USD (chiếm 34% giá trị).
Các kho dự trữ dầu thô chiến lược của Trung Quốc
Tính trung bình giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đạt 408 USD/tấn (9,3 triệu đồng), trong khi đó giá dầu thô xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 400 USD/tấn (9,1 triệu đồng).
Dựa vào con số trên, có thể thấy giá dầu thô Việt Nam xuất sang Trung Quốc rẻ hơn giá xuất khẩu trung bình 200.000 đồng/tấn. Bán 1,7 triệu tấn dầu thô sang Trung Quốc với giá rẻ, Việt Nam mất hơn 340 tỷ đồng.
Thực tế, giá dầu thô mà Trung Quốc mua từ các thị trường khác nhau đều rẻ hơn so với giá trung bình của thế giới bởi nước này có chính sách trả tiền mặt hoặc thực hiện trao đổi viện trợ kỹ thuật, hạ tầng lấy dầu thô theo chiến lược một vành đai, một con đường hay con đường tơ lụa của mình.
Mới đây, báo chí Mỹ đã chỉ ra mục đích mà Trung Quốc tăng cường thu mua dầu mỏ số lượng lớn từ các nước Trung Đông, Châu Phi và Venezuela trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị các nước này bất ổn, cần nguồn tiền mặt hoặc các cơ chế viện trợ.
Trung Quốc năm 2009 đưa ra chính sách tích trữ dầu thô và đưa vào hoạt động các kho trữ dầu mỏ trữ lượng lớn ở nhiều nơi. Dầu mỏ trong các kho dự trữ dầu của Trung Quốc đa phần được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới và tránh tác động xấu của khủng hoảng an ninh năng lượng toàn cầu như đã từng diễn ra có thể đe dọa nền kinh tế thâm dụng năng lượng này.
Ngoài lượng lớn dầu thô của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu hàng loạt hàng hóa cũng bị chi phối, lệ thuộc vào Trung Quốc. Cụ thể trong đó có các mặt hàng như: Rau quả, gạo, cao su hay quặng khoáng sản hay than đá đều đã và đang lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của 5 loại mặt hàng trên vào khoảng 7,6 tỷ USD thì thị trường Trung Quốc đã chiếm hơn 4,1 tỷ USD (hơn 54% kim ngạch).
Đứng đầu là mặt hàng rau quả. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả 8 tháng đầu năm vào khoảng 2,3 tỷ USD, thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chiếm khoảng 1,78 tỷ USD, gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, trong mặt hàng rau quả của Việt Nam 8 tháng qua, có rất nhiều loại hoa quả của Việt Nam như vải, xoài, măng cụt, thanh long, chuối và dưa hấu... các loại mặt hàng này hiện vẫn có tỷ lệ xuất khẩu lượng lớn sang Trung Quốc trong nhiều năm qua và không hề thay đổi cho dù hình thức xuất chủ yếu là tiểu ngạch.
Đứng thứ 2 là mặt hàng gạo, 8 tháng qua kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 4 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD, trong đó lượng gạo xuất sang Trung Quốc đạt hơn 1,56 triệu tấn, kim ngạch hơn 700 triệu USD, chiếm gần 40% về cả lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua.
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí