Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà Bộ này sẽ thực hiện.
>> Điều kiện kinh doanh: Bỏ 10 thì tăng thêm 7
>> Điều kiện kinh doanh hành doanh nghiệp: Có người chỉ ăn và viết giấy phép?
(Ảnh minh hoạ).
Chiều ngày 15/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp về rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, tổng số điều kiện kinh doanh trước rà soát là 1216 trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành nghề thứ 28).
"Dự kiến sẽ có khoảng 464-612 điều kiện kinh doanh sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, tương đương với khoảng 38,15% - 50,3% tổng các điều kiện kinh doanh", ông Tân nói.
Về tổng số điều kiện đề xuất cắt giảm, tổ công tác đề xuất 2 phương án. Trong đó, theo phương án 1, Tổ công tác này đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện. Phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với mức cắt giảm 50,3% tổng số 17 ngành nghề. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm là 331 trên tổng số 350 điều kiện kinh doanh.
Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí...
17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại là 752, nếu áp dụng theo phương án 1 và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.
"Bản thân mặc dù không đặt nặng câu chuyện số lượng mà là chất lượng nhưng rõ ràng con số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm có ý nghĩa nhất định và có tác động tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung", Bộ trưởng cho biết.
Người đứng đầu ngành công thương cũng chỉ đạo: "Chúng ta không chỉ dừng lại ở bãi bỏ thủ tục mà phải đi vào thực chất, cái gì bãi bỏ được thì bãi bỏ chứ không phải chỉ là bãi bỏ về số lượng. Bước đầu sẽ rà soát, cắt giảm thủ tục đơn giản do trùng lặp giữa các bộ, loại bỏ những quy định không thực sự cần thiết, không có giá trị ý nghĩa gì. Tiếp đó, xem xét dựa trên luật để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, có cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước".
"Chúng ta thực hiện theo đúng lộ trình nhưng không để bị sức ép về thời gian mà vội vàng, ảnh hưởng tới đời sống người dân và cả doanh nghiệp. Nếu đơn giản hoá đi tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng lại có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng, chưa kể lquan tới đối ngoại, hội nhập, tập quán, phong tục truyền thống thì phải cân nhắc", ông lưu ý thêm.
Theo Phương Dung/Dân trí