4
/
53181
Cuộc chiến sinh tồn của các thương hiệu Việt “vang bóng một thời”
cuoc-chien-sinh-ton-cua-cac-thuong-hieu-viet-vang-bong-mot-thoi
news

Cuộc chiến sinh tồn của các thương hiệu Việt “vang bóng một thời”

Thứ 3, 12/09/2017 | 16:24:45
700 lượt xem

Đa số các doanh nghiệp Việt trừ các doanh nghiệp nhà nước thường không tồn tại được quá 30 năm. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp thuộc “thế hệ vàng son” vẫn tồn tại, phát triển bất chấp các thăng trầm của đất nước. 

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, 8 tháng năm nay, cả nước có 85.357 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động cũng vượt 52.500 doanh nghiệp. Xu hướng doanh nghiệp “chết lâm sàng” đang tăng với tỷ lệ hai con số so với cùng kỳ.

Sinh ra doanh nghiệp, quan trọng là phải nuôi được doanh nghiệp lớn lên và phát triển. Thế nhưng có tới trên 92% doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, tức là chưa kịp lớn thì đã phải “khai tử”, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam khó có thể lớn và sống được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và một môi trường chưa có nhiều cải thiện.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp may mắn lớn được, tạo được tiếng vang nhưng lại có vòng đời khá ngắn ngủi. Nhiều thương hiệu Việt đã "chết" ngay trên sân nhà hoặc bị thao túng bởi các doanh nghiệp nước ngoài là biểu hiện khốc liệt của cuộc cạnh tranh trên thương trường.

Còn nhớ, một thời, kem đánh răng Dạ Lan đã làm mưa làm gió trên thị trường từ Bắc vào Nam, thậm chí bán được cả sang các thị trường nước ngoài khó tính. Tuy nhiên, sau quá trình phát triển “nóng”, lại thiếu hệ thống quản trị trước “chiếc áo quá rộng”, năm 1995, thương hiệu này được bán cho công ty nước ngoài Colgate Palmolive.

Trước năm 1975, xá xị rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam, và phần lớn do hãng BGI sản xuất, chứa trong chai thủy tinh. Xá xị đầu tiên tại Sài Gòn có nhãn hiệu hình con cọp nên còn gọi là "xá xị con cọp". Đến tháng 7/1977, tập đoàn BGI chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam, trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi là nhà máy nước ngọt Chương Dương. Hầu hết thị trường khu vực miền Nam khi đó đều rất ưa chuộng dòng sản phẩm này. Đây được xem như thời hoàng kim của xá xị Chương Dương.

Khi 2 ông lớn trong ngành giải khát có gas là Coca-Cola và Pepsi vào Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khiến cho xá xị Chương Dương lao đao.

Một loạt thương hiệu Việt khác, bằng cách này, cách khác, cũng đã và đang mất dần tên tuổi, như bánh trung thu Đồng Khánh, bia Laser, xà bông Cô Ba… Những thương hiệu thuộc “thế hệ vàng son" như Diêm Thống Nhất, Xe đạp Thống Nhất, Dệt 19/5, Dệt Minh Khai, Giày Thụy Khuê, Xích líp Đông Anh, Kim khí Thăng Long… dù vẫn “sống sót” nhưng đang rơi vào giai đoạn “tàn lụi” nếu như không có những thay đổi mang tính đột phá.

Trái ngược với xu hướng trên, một số doanh nghiệp thuộc thế hệ “vang bóng” không những có sức sống dẻo dai và ngày càng phát triển mạnh với doanh thu và lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, sẵn sàng xông pha “trận mạc hội nhập”.

Được thành lập từ năm 1973, đến năm 1979 Nhà máy bóng đèn Điện Quang đã ra đời trên cơ sở sáp nhập các xí nghiệp đèn điện. Trải qua 45 năm thăng trầm cùng nhiều biến động trong kinh tế Việt, Điện Quang đã ghi danh trở thành một trong những thương hiệu “vang bóng một thời” làm chủ thị trường chiếu sáng Việt. Slogan "Ở đâu có điện, ở đó có điện quang” đã cùng bao thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Đến nay, đúng như thông điệp trên, Điện Quang vẫn là nhà cung cấp thiết bị chiếu sáng lớn bậc nhất cả nước, thương hiệu đã in sâu vào tâm trí người Việt.

Một trong những bước ngoặt khiến Điện Quang “ngược chiều” so với các thương hiệu Việt vàng son đó là công ty được lên kế hoạch cổ phần hoá rất sớm, đưa mọi hoạt động công khai, minh bạch. Năm 2005, Điện Quang được cổ phần hoá, bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên. Đến năm 2008, Điện Quang với mã chứng khoán DQC đã chính thức được niêm yết trên sàn HOSE. Từ đây, mọi hoạt động của công ty đều được công khai, chịu trách nhiệm trước cổ đông, giới chức trách.

Cùng với việc minh bạch về quản trị sau khi lên sàn, Điện Quang đã đột phá trong giai đoạn này. Năm 2008 khi mới lên sàn, doanh thu của công ty chỉ đạt 390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn là 1,6 tỷ đồng. Năm 2009, 2010, 2011 lợi nhuận công ty tăng lên nhanh chóng đạt lần lượt 5,2 tỷ đồng, 45,4 tỷ và 39,2 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận của Điện Quang qua các năm.

Doanh thu và lợi nhuận của Điện Quang qua các năm.

Bắt đầu từ năm 2013, Điện Quang bước vào giai đoạn bứt phá khi đạt doanh thu 800 tỷ, lợi nhuận sau thuế vượt 123 tỷ đồng. Năm 2014, lần đầu tiên, Điện Quang gia nhập câu lạc bộ những doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỷ trên sàn chứng khoán với doanh thu năm lên tới 1.229 tỷ, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gấp đôi đạt 242 tỷ đồng. Năm 2015 tiếp tục là năm thành công với doanh thu 1.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 210 tỷ. Năm 2016, lợi nhuận vẫn đạt ở mức 204 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/9, Điện Quang vẫn được thị trường định giá là thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn hoá nghìn tỷ, cụ thể đạt 1.171 tỷ đồng.

Đứng trên đỉnh cao của một thương hiệu chiếu sáng “vang bóng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Điện Quang là ông Hồ Quỳnh Hưng vẫn liên tục đề cao tinh thần nghiên cứu, sáng tạo để tồn tại, phát triển trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh như Rạng Đông, Philips và nhiều công ty nhỏ lẻ khác trên thị trường bủa vây.

Do đó, ông Hưng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu các sản phẩm mới với tính năng vượt trội, khác biệt, áp dụng đón đầu các công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất, cho ra mắt các sản phẩm smartlighting. Hiện Điện Quang đã thành lập Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang chuyên nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chíp Led siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao tại khu Công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, sau thời gian dài dồn sức cho xuất khẩu, bóng đèn Điện Quang đã được phủ sóng nhiều nước trên thế giới. Đến nay, với quy mô thị trường 100 triệu dân và tinh thần yêu hàng Việt của người Việt, ông Hưng nhấn mạnh chiến lược dài hạn của công ty là chiếm lĩnh thị trường trong nước, đẩy lùi hàng Trung Quốc và các sản phẩm kém chất lượng trên thị trường.

Cũng là một thương hiệu có tuổi đời 45 năm thuộc "thế hệ vàng son” của doanh nghiệp Việt, Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket đơn vị sở hữu thương hiệu mì ăn liền hai con tôm nổi tiếng tại Việt Nam đã được cổ phần hoá từ khá sớm nhưng lại chậm lên sàn. Mãi đến ngày 10/7 vừa qua, công ty mới niêm yết trên sàn UpCoM. Do đó, dù vẫn tồn tại và có lãi song Colusa - Miliket không thành công như thương hiệu cùng lứa tuổi là Điện Quang. Năm 2016, công ty đạt doanh thu 459 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm xuống chỉ còn 20 tỷ đồng. Colusa - Miliket cũng chỉ được thị trường định giá vốn hoá 166 tỷ đồng.

Theo Hà Nguyễn/Dân trí

  • Từ khóa

Trung Quốc trỗi dậy về công nghệ, Hàn Quốc đứng ngồi không yên

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc.
20:04 - 22/11/2024
166 lượt xem

Xăng sinh học tiêu thụ ít, Bộ Công Thương thay đổi đề xuất điều hành giá

Hai mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến là RON 95-III và dầu diesel DO có thể sẽ được Bộ Công Thương công bố giá trần.
15:12 - 22/11/2024
296 lượt xem

Vé máy bay Tết đến hẹn lại căng

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ 2025 không chỉ đắt đỏ mà còn khan hiếm, đặc biệt trên các đường bay tỉnh. Dù có mức giá gấp đôi ngày thường, nhưng nhiều chặng...
14:00 - 22/11/2024
300 lượt xem

Hàng không tăng thêm 3.000 chuyến bay, bổ sung lượng vé Tết

Sáng 22-11, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến...
11:29 - 22/11/2024
375 lượt xem

Giảm thuế VAT, tăng kích cầu tiêu dùng

Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại... Do đó việc tiếp tục giảm 20% thuế VAT trong 6 tháng đầu...
11:48 - 22/11/2024
342 lượt xem