Các bộ trưởng kinh tế tới từ 16 nước châu Á-Thái Bình Dương đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại thủ đô Manila của Philippines ngày 10/9 thừa nhận sẽ không đạt được một thỏa thuận trong năm nay.
Các bộ trưởng kinh tế đang tham gia đàm phán RCEP - một thỏa thuận thương mại thay thế Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho biết họ sẽ cố gắng đạt được tiến triển quan trọng trong các cuộc thương lượng muộn nhất là trong tháng 11, thời điểm lãnh đạo 16 nước sẽ nhóm họp tại Manila.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Thương mại Philippines Ceferino Rodolfo nhận định RCEP là “lựa chọn duy nhất căn cứ vào các cuộc đàm phán TPP hiện nay.”
Tuy nhiên, quan chức này cho biết 16 nước tham gia RCEP đã từ bỏ mục tiêu đạt được thỏa thuận này trong năm nay, do khác biệt trong các mục tiêu giảm hoặc cắt bỏ thuế, cũng như việc mở cửa các dịch vụ.
RCEP là hiệp định giữa 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Do đó, RCEP được xem là hiệp định thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Khác với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường.
Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng./.
Theo TTXVN