Các hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Nếu thiếu “mắt xích” này, các gia đình, tổ hợp tác khó đưa sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại.
Các loại chè của Hợp tác xã Thân Trường (Yên Thế) trưng bày tại hội nghị kết nối cung cầu các tỉnh, TP trong khu vực.
Theo ông Trần Huy Hùng, Giám đốc Siêu thị Big C Bắc Giang, sau những nỗ lực giúp đỡ từ chính quyền các cấp kết nối các HTX với Big C, cùng tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý cho hàng hóa chính danh, đến nay Bắc Giang đã có 15 nhóm sản phẩm được Big C ký hợp đồng thu mua, cung ứng qua các HTX để phân phối cho khách hàng trong toàn quốc. Bắc Giang có nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng vùng, tuy nhiên lượng sản phẩm được đưa vào kênh phân phối hiện đại là siêu thị, trung tâm thương mại còn ít so với tiềm năng. Cũng vì vậy sản xuất kinh doanh chưa bền vững, nông sản dễ rơi vào tình trạng được mùa rớt giá hoặc bị ép cấp, ép giá kể cả khi không được mùa.
Ở các HTX, không phải mô hình nào cũng hoạt động hiệu quả, gắn kết các thành viên trong sản xuất kinh doanh để thực sự là đầu mối quan trọng, “mắt xích” không thể tách rời trong chuỗi giá trị. Đơn cử ở một HTX sản xuất nấm của Lạng Giang có hơn 20 thành viên tham gia với sản lượng hàng nghìn tấn nấm/năm. Tuy nhiên, Giám đốc HTX này băn khoăn, phần vì sản phẩm do các thành viên sản xuất không đồng đều, thiếu ổn định nên không thể ký hợp đồng cung cấp cho siêu thị. Hơn nữa còn một bộ phận xã viên có tâm lý “đắt bán ngoài, rẻ mới giao cho HTX” nên vai trò liên kết sản xuất, kinh doanh bị phá vỡ. “Các yếu tố bảo đảm chất lượng, bao bì, mẫu mã hàng hóa, công bố thành phần, truy xuất nguồn gốc đều được HTX thực hiện theo yêu cầu của siêu thị nhưng lỗi từ nội bộ HTX khiến nấm chưa vào siêu thị, vẫn mạnh ai nấy làm”, Giám đốc HTX này chia sẻ.
Cách đây chưa lâu, đại diện một siêu thị “tố” HTX sản xuất mỳ ở huyện Lục Ngạn giao hàng không đúng cam kết, nêu lý do: Trời không nắng nên không có mỳ. “Nếu đã cam kết, có kế hoạch sản xuất thì cả mùa hè, nhiều tháng trong năm thời tiết tốt để làm mỳ chứ khách hàng không thể chờ có nắng mới ăn mỳ. Đổ lỗi tại thời tiết là cách làm thiếu chuyên nghiệp”, Giám đốc siêu thị này bày tỏ.
Trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ hợp tác, HTX có vai trò quan trọng, là nơi tập hợp các thành viên, hỗ trợ nhau cùng sản xuất và có pháp nhân đưa hàng hóa vào kênh tiêu thụ. Các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc DN tiêu thụ hàng hóa chuyên nghiệp không thể đảm đương được khâu thu gom, tới từng hộ để kiểm soát chất lượng hay thu mua sản phẩm mà phải thông qua HTX. Vì thế “mắt xích” HTX không thể thiếu.
Tuy vậy, theo đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, ngoài một số HTX sản xuất vải thiều, cam, mỳ, rượu, rau an toàn, thịt lợn, cá, mây tre đan... đa số các HTX quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, theo kinh nghiệm, chưa bảo đảm về sản lượng, chất lượng và giá cạnh tranh nên khó đưa vào kênh phân phối hiện đại. Các HTX còn lúng túng khi tham gia chuỗi liên kết giá trị; lãnh đạo HTX cũng như các thành viên chưa năng động, chỉ quan tâm tới mục tiêu là bán hết hàng ở thị trường tự do mà chưa thấy sự cần thiết đưa sản phẩm vào các thị trường mang tính ổn định, bền vững. Cũng theo ông Trần Huy Hùng, sản phẩm của HTX vào được siêu thị không những bảo đảm các yếu tố hàng hóa (chất lượng, bao bì, truy xuất nguồn gốc...) mà còn phải định được giá sản xuất, bám sát nhu cầu của thị trường về loại sản phẩm hàng hóa đó. “Siêu thị chỉ là cầu nối cung ứng hàng hóa của HTX cho người tiêu dùng nên hàng của HTX phải có giá cạnh tranh, được khách hàng chấp nhận và từng bước cải tiến theo nhu cầu thị trường”, ông Hùng chia sẻ.
Bắc Giang đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đồng thời có nhiều sản phẩm làng nghề được quan tâm hỗ trợ đưa vào kênh phân phối hiện đại. Nhiều HTX kiểu mới được thành lập, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Để nâng cao vai trò của HTX trong sản xuất và cung ứng sản phẩm vào kênh tiêu thụ hiện đại, các HTX cần chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng thương hiệu, các thủ tục về nhãn mác, hóa đơn cho sản phẩm, có lượng sản phẩm lớn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, siêu thị. Bởi phần lớn những sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các địa phương là do doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sản xuất nên thiếu các tiêu chí về mẫu mã, bao bì, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nhiều ý kiến cho rằng các HTX cần tuyên truyền cho bà con, các thành viên thế nào là chuỗi giá trị, có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra. HTX mạnh, nông dân yên tâm sản xuất, chuỗi giá trị mới khép kín và ổn định. Cùng đó, chính quyền các địa phương quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các HTX thủ tục cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, VietGAHP, tổ chức xúc tiến thương mại, mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX.
Theo Cao Minh Ngọc/BGĐT