4
/
178564
Hàng Việt xuất khẩu vào Bắc Âu trước thách thức có thêm cơ hội mới
hang-viet-xuat-khau-vao-bac-au-truoc-thach-thuc-co-them-co-hoi-moi
news

Hàng Việt xuất khẩu vào Bắc Âu trước thách thức có thêm cơ hội mới

Thứ 6, 04/04/2025 | 15:42:00
2,008 lượt xem

Mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ áp cho hàng hoá nhập khẩu đã và đang mang lại cả cơ hội và thách thức đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu.

Tỷ giá thuận lợi, giá hàng Việt Nam có thể cải thiện tính cạnh tranh

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công Thương sáng ngày 4/4, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu - cho biết, ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố một loạt thuế quan đối ứng quy mô lớn đối với hàng nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) cũng chịu mức thuế 20%.

Với động thái này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết, một yếu tố tích cực đáng chú ý là tỷ giá đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho hàng Việt Nam. Cụ thể, đồng USD giảm giá trong khi đồng krona Thụy Điển tăng mạnh, với tỷ giá hiện ở mức 9,85 SEK/USD - cao nhất kể từ tháng 6/2022. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam định giá bằng USD đang trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Thụy Điển, giúp cải thiện sức cạnh tranh về giá.

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Bắc Âu. (Ảnh: Cấn Dũng)

Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi này còn phụ thuộc vào khả năng doanh nghiệp Việt giữ giá ổn định và không điều chỉnh tăng giá USD đầu ra. Ngoài ra, một số nhóm ngành vẫn cần thận trọng như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ. Lý do bởi đây đều là các ngành có biên lợi nhuận thấp và dễ bị tác động bởi biến động chi phí nguyên liệu, logistics và nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại thị trường châu Âu và Bắc Âu, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, khiến các mặt hàng không thiết yếu hoặc có giá trị gia tăng thấp dễ bị giảm đơn hàng hoặc ép giá.

Do đó, dù tỷ giá đang tạo điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp vẫn cần chủ động kiểm soát chi phí, giữ ổn định giá bán, đồng thời nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm để duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường cao cấp như Bắc Âu.

Cạnh tranh tăng mạnh từ các nước châu Á chuyển hướng sang EU

Cùng với những thuận lợi nêu trên, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho rằng, trong bối cảnh hàng hóa không dễ vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, Campuchia, Bangladesh và nhiều quốc gia châu Á khác sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang EU và Bắc Âu - các thị trường còn duy trì thương mại mở và nhu cầu tiêu dùng cao.

Đơn cử, Trung Quốc có thể gia tăng hiện diện trong các ngành điện tử, đồ gia dụng, cơ khí tại châu Âu. Bangladesh và Campuchia - những đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành dệt may, có thể đẩy mạnh dòng hàng giá rẻ vào EU. Đặc biệt, áp lực không chỉ đến từ giá rẻ, mà còn ở tốc độ giao hàng, khả năng đáp ứng đơn hàng linh hoạt và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

“Giữa làn sóng rào cản thương mại và bảo hộ gia tăng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trở thành lá chắn chiến lược giúp hàng hóa Việt giữ vững chỗ đứng tại châu Âu” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý khẳng định. Đồng thời chỉ rõ những ngành hưởng lợi trực tiếp gồm dệt may, da giày; thủy sản, nông sản chế biến; đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ; thiết bị điện, điện tử.

Đặc biệt tại Bắc Âu - nơi người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm bền vững, xanh và minh bạch - doanh nghiệp Việt có thể tăng lợi thế nếu đầu tư vào các chứng chỉ như eco-label, truy xuất nguồn gốc, hoặc xác minh carbon footprint.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nhận định thêm, chính sách thuế mới của Hoa Kỳ tuy là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đơn hàng ngắn hạn. Thêm nữa, chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng - bền vững - truy xuất nguồn gốc. Đầu tư vào tiêu chuẩn châu Âu như nhãn sinh thái (eco-label), carbon footprint, hay chứng chỉ CSR để gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng Bắc Âu. Đặc biệt, tối ưu hóa EVFTA - tận dụng ưu đãi thuế và định vị hàng Việt như “giải pháp thay thế đáng tin cậy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chính sách thuế đối ứng của Mỹ đang tạo ra một biến động mang tính hệ thống với thương mại toàn cầu, có thể tạo ra làn sóng suy thoái và gián đoạn toàn cầu sâu rộng. Trong khi các quốc gia lớn vẫn còn tranh luận về cách phản ứng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng sớm” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chỉ rõ.

EU và Bắc Âu – nhờ ổn định chính trị và khung hợp tác EVFTA – đang nổi lên như cửa ngõ chiến lược cho xuất khẩu Việt Nam. Điều quan trọng là doanh nghiệp không chỉ “vượt bão” mà còn tận dụng cơ hội để tái định vị hàng Việt trên bản đồ thương mại toàn cầu – không chỉ là rẻ, mà còn là chất lượng – xanh – đáng tin cậy.

 

Theo Lan Phương/ Công Thương

https://congthuong.vn/hang-viet-xuat-khau-vao-bac-au-truoc-thach-thuc-co-them-co-hoi-moi-381488.html

  • Từ khóa

Vé bay dịp 30-4 đắt ngang Tết, Cục Hàng không tăng cường giám sát

Giá vé hạng phổ thông chặng Hà Nội - TP HCM ngày 29-4 hiện được các hãng hàng không niêm yết ở mức dao động từ 3,4 đến 3,74 triệu đồng.
19:13 - 10/04/2025
136 lượt xem

Xăng RON 95 giảm mạnh tới gần 2.000 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu, áp dụng từ 15h ngày 10-4.
16:07 - 10/04/2025
195 lượt xem

Tức tốc đưa hàng sang Mỹ, tận dụng tối đa 90 ngày hoãn thuế đối ứng

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đang tức tốc đàm phán với đối tác để chia sẻ rủi ro về thuế đối ứng, thúc đẩy xuất khẩu nhanh các đơn hàng...
10:12 - 10/04/2025
334 lượt xem

Tăng rất mạnh, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn leo đỉnh mới

Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn bất ngờ lập đỉnh lịch sử mới, vượt 103 triệu đồng/lượng.
09:36 - 10/04/2025
356 lượt xem

Thương mại toàn cầu rung chuyển

Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu có những thỏa thuận thương mại "được thiết kế riêng" cho từng đối tác
08:36 - 10/04/2025
370 lượt xem