Nếu Luật Điện lực (sửa đổi) chậm được thông qua, chúng ta không có cách nào bảo đảm an ninh năng lượng điện, chưa nói đến mục tiêu Net Zero, theo Bộ Công Thương.
Quang cảnh thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), nơi đặt dự án điện hạt nhân - Ảnh: D.NGỌC
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết triển khai dự án điện hạt nhân cũng như yêu cầu cấp bách phải trình Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp.
Cấp bách cần cơ chế đầu tư nguồn điện
Bởi quy hoạch điện 8 xác định, đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện của Việt Nam phải đạt khoảng 150.000MW. Đồng thời phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn cung sang các nguồn điện sạch, ít phát thải để đạt mục tiêu Net Zero.
Như vậy, tính trung bình từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần đưa trên 10.000MW nguồn điện mới vào vận hành, cùng hệ thống đường dây đấu nối, truyền tải điện... Vì vậy, cấp bách cần phải có cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng bộ, đủ tầm mới thu hút đầu tư nguồn điện, đặc biệt là nguồn năng lượng mới.
Bộ Công Thương cho hay dự án điện khí trung bình cần 7-8 năm, dự án điện hạt nhân còn đòi hỏi thời gian dài hơn nữa. Vì vậy, nếu Luật Điện lực (sửa đổi) chậm được thông qua, chúng ta không có cách nào bảo đảm an ninh năng lượng điện, chưa nói đến mục tiêu Net Zero.
Bộ cũng nhắc lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đã nêu ra, Hội nghị Trung ương 10 đã nhất trí khởi động lại chương trình điện hạt nhân. Với lộ trình từ 5 - 10 năm tới, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần được khởi động ngay, nếu không đến năm 2045 có thể sẽ không kịp.
Do đó, chủ trương về điện hạt nhân cần được đưa vào Luật Điện lực ngay từ bây giờ và xem xét kỹ lưỡng các vấn đề như công suất điện cần thiết, vị trí bố trí, công nghệ sử dụng và cách thức đảm bảo cung cấp điện. Việc này nhằm nghiên cứu, thảo luận và xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo sự chủ động phát triển năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, nguồn điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.
Cơ chế đặc thù sẽ áp dụng từng dự án cụ thể
Vì vậy, để có cơ sở thực hiện xây dựng và phát triển điện hạt nhân sau khi có chủ trương của cấp thẩm quyền, cần bổ sung chính sách về phát triển điện hạt nhân trong Luật Điện lực sửa đổi.
Theo Bộ Công Thương, các vấn đề như công suất điện, vị trí bố trí, công nghệ sử dụng và cách thức đảm bảo cung cấp điện sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình quy hoạch điện và triển khai thực hiện các dự án.
Đến nay, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Vì thế các dự án điện hạt nhân sẽ phải trình Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện theo quy định Luật Năng lượng nguyên tử.
Trong đó, các cơ chế đặc thù điện hạt nhân sẽ được nghiên cứu cho từng dự án cụ thể và đề xuất trong chủ trương đầu tư dự án để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Trước những lo ngại về việc đảm bảo an toàn, rủi ro an ninh, xử lý chất thải, Bộ Công Thương cũng cho hay, việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy đã được quy định cụ thể ở Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan, bao gồm cả tháo dỡ và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng...
Vì vậy, bộ khẳng định kế hoạch phát triển điện hạt nhân để đảm bảo cung cấp điện sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình quy hoạch điện sau khi được cấp thẩm quyền cho phép về chủ trương.
Theo Ngọc An/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bo-cong-thuong-ly-giai-viec-can-tai-khoi-dong-dien-hat-nhan-20241115152249129.htm