4
/
169684
'Áp trần chi phí lãi vay 30% sẽ làm méo mó thị trường tín dụng'
ap-tran-chi-phi-lai-vay-30-se-lam-meo-mo-thi-truong-tin-dung
news

'Áp trần chi phí lãi vay 30% sẽ làm méo mó thị trường tín dụng'

Thứ 2, 16/09/2024 | 15:36:16
1,568 lượt xem

Cho rằng giới hạn chi phí lãi vay bằng một con số cố định sẽ làm méo mó thị trường tín dụng, VCCI đề nghị cân nhắc miễn trừ giới hạn chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết thuần túy nội địa.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó VCCI đưa ra nhiều ý kiến góp ý với nội dung áp dụng quy định về trần chi phí lãi vay đối với giao dịch trong nước, không có chênh lệch thuế suất.

'Áp trần chi phí lãi vay 30% sẽ làm méo mó thị trường tín dụng'- Ảnh 1.

VCCI nhận thấy không ít quốc gia chỉ áp dụng quy định trần chi phí lãi vay cho nhóm doanh nghiệp đa quốc gia mà không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa. ẢNH: NGỌC THẮNG

Tập trung chống chuyển giá với giao dịch liên kết quốc tế

Hiện tại, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP giữ nguyên quy định giới hạn chi phí lãi vay 30% EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình - PV) tại điều 16.3.a của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Như vậy, trong trường hợp hai doanh nghiệp liên kết nội địa, không có chênh lệch thuế suất làm ăn với nhau thì giao dịch cho vay lại bị giới hạn chi phí lãi vay. "Quy định này không hợp lý vì giữa hai doanh nghiệp nội địa không có chênh lệch thuế suất thì không có nhiều động cơ để chuyển giá", VCCI đánh giá.

Đơn vị này lập luận, thứ nhất không có cam kết quốc tế nào buộc Việt Nam phải áp dụng bình đẳng mức khống chế chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nội địa và giao dịch liên kết quốc tế. Đây là một hiểu nhầm thường thấy trong các cuộc thảo luận về giao dịch liên kết tại Việt Nam.

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác, VCCI nhận thấy không ít quốc gia chỉ áp dụng quy định trần chi phí lãi vay cho nhóm doanh nghiệp đa quốc gia mà không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa.

Ví dụ, tại Úc, một thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ bắt buộc trần chi phí lãi vay 30% cho 3 đối tượng thường có giao dịch liên kết quốc tế, bao gồm: doanh nghiệp Úc kiểm soát một doanh nghiệp nước ngoài hoặc tiến hành kinh doanh tại hoặc thông qua một cơ sở thường trú ở nước ngoài; doanh nghiệp Úc được kiểm soát bởi một hoặc nhiều doanh nghiệp nước ngoài; hoặc doanh nghiệp nước ngoài.

Tương tự, Ấn Độ tuy không phải là nước thành viên OECD nhưng sở hữu xấp xỉ 100 hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTAAs) cũng chỉ giới hạn mức khấu trừ lãi suất ở mức 30% EBITDA đối với bên cho vay có chủ nợ là doanh nghiệp liên kết nước ngoài.

"Nhìn chung, điểm mấu chốt trong chính sách của rất nhiều nước là chỉ nhắm tới chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết quốc tế do đây là giao dịch có rủi ro chuyển giá cao.

Điều này không có nghĩa là phân biệt quốc tịch, nơi cư trú doanh nghiệp, mà sẽ phân biệt dựa trên tính chất và nguy cơ của giao dịch liên kết. Ví dụ, giao dịch liên kết quốc tế có thể bao gồm cả doanh nghiệp nội địa có khoản cho vay, đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp nội địa cũng sẽ bị áp trần chi phí lãi vay", VCCI nêu.

Dùng công cụ thuế để hạn chế "vốn mỏng" là chưa phù hợp

Lập luận thứ hai VCCI đưa ra là, một trong những mục đích của việc bị giới hạn chi phí vốn vay tại Điều 16.3 đối với cả giao dịch thuần túy nội địa, không chênh lệch thuế suất được suy đoán nhằm chống lại tình trạng "vốn mỏng" của các doanh nghiệp.

Hạn chế "vốn mỏng" giúp bảo đảm an ninh an toàn tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp lớn vay nợ quá nhiều, không bảo đảm các tỷ lệ an toàn và dễ dẫn đến mất thanh khoản khi có biến động ngoài kỳ vọng. Tuy nhiên, theo VCCI, sử dụng công cụ quản lý thuế cho mục tiêu chính sách này chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam.

'Áp trần chi phí lãi vay 30% sẽ làm méo mó thị trường tín dụng'- Ảnh 2.

Theo VCCI, nếu cứng nhắc áp dụng một mức khống chế chi phí lãi vay sẽ tạo ra rào cản đối với các tập đoàn, tổng công ty nội địa trong huy động vốn nội bộ để triển khai các dự án có quy mô vốn lớn. ẢNH: NGỌC THẮNG

Việc chống "vốn mỏng", bảo đảm an ninh an toàn tài chính của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn nên được thực hiện theo các quy định pháp luật quản lý thị trường tín dụng.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có nhiều quy định để khắc phục tình trạng "vốn mỏng" của doanh nghiệp mà vẫn giúp thị trường tín dụng phát triển lành mạnh. Điển hình như Điều 136 của luật này đã giảm tỷ lệ cấp tín dụng tập trung của một ngân hàng cho một khách hàng (nhóm khách hàng liên kết).

Thêm vào đó, Điều 153 của luật này đặt ra cơ chế giám sát để bảo đảm các hợp đồng trong giao dịch liên kết cũng phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, bình đẳng.

VCCI nhấn mạnh, việc giới hạn chi phí lãi vay bằng một con số cố định (30% EBITDA) sẽ làm méo mó thị trường tín dụng. Ví dụ, trong trường hợp hai bên vay nợ theo đúng lãi suất bình quân của thị trường, giao dịch phù hợp với nguyên tắc giao dịch độc lập (arm's lenght principle), không hề có biểu hiện gian dối về lãi suất để chuyển giá, nhưng vẫn bị giới hạn bởi mức 30%.

Trên thực tế, chi phí lãi vay cao là đặc điểm tự nhiên thường thấy trong các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hạ tầng. Đây là hai nhóm ngành có mức đòn bẩy tài chính cao hơn trung bình, một hình thức tài trợ phổ biến trong các tập đoàn kinh tế là để doanh nghiệp mẹ cho vay doanh nghiệp con hoặc bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp con nhằm đảm bảo dòng vốn cho các dự án lớn mà doanh nghiệp con đang thực hiện.

Nếu cứng nhắc áp dụng một mức khống chế chi phí lãi vay sẽ vô tình tạo ra rào cản đối với các tập đoàn, tổng công ty nội địa trong việc huy động vốn nội bộ để triển khai các dự án có quy mô vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài hạn.

Theo như phân tích, một số lợi ích của quy định như tuân thủ cam kết quốc tế, chống "vốn mỏng" chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng tác hại tới đầu tư sản xuất và hạ tầng là không nhỏ. Do đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc miễn trừ giới hạn chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết thuần túy nội địa, không có sự chênh lệch về thuế suất.

Theo Đan Thanh/Thanh niên

https://thanhnien.vn/ap-tran-chi-phi-lai-vay-30-se-lam-meo-mo-thi-truong-tin-dung-185240916130854655.htm

  • Từ khóa

Hàng hóa dồi dào ra Bắc

Nhiều doanh nghiệp lương thực thực phẩm phía Nam cho biết vẫn đang tiếp tục tăng lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao sau bão lũ tại phía Bắc,...
09:08 - 18/09/2024
590 lượt xem

Giá vàng hôm nay,18-9: Bất ngờ sụt giảm

Giá vàng hôm nay suy yếu sau khi tăng lên mức giá cao nhất mọi thời đại. Dù thị trường dự báo Mỹ giảm lãi suất nhưng đồng USD lại tăng giá, lãi suất trái...
07:26 - 18/09/2024
623 lượt xem

Quyết tâm đạt tăng trưởng 7% dù thách thức hơn do siêu bão

Các kịch bản tăng trưởng cao, nhiều khả năng đạt, thậm chí vượt ngưỡng trên của mục tiêu GDP năm 2024 tăng từ 6-6,5% được các tổ chức kinh tế trong và...
14:40 - 17/09/2024
1,028 lượt xem

Hàng không mở bán hơn 4 triệu vé bay Tết, có vé Hà Nội-TP HCM từ 1,79 triệu đồng

Hãng hàng không Vietjet vừa công bố mở bán sớm 2,6 triệu vé bay trong giai đoạn từ 15-1 đến 12-2-2025, tức 16 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 15 tháng...
10:29 - 17/09/2024
1,095 lượt xem

Cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng bị thiệt hại do bão

Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh, thành phố phía bắc. Báo cáo sơ bộ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh 2 tỉnh Quảng Ninh và...
08:19 - 17/09/2024
1,183 lượt xem