Một số ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi). Tuy nhiên, giảm lãi thôi chưa đủ. Để tái thiết cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh sau thảm họa thiên tai, người dân và doanh nghiệp cần được cơ cấu nợ và cho vay mới.
Giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm
Ngân hàng (NH) đầu tiên quyết định giảm lãi suất (LS) cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 là VPBank với mức giảm từ 0,5 - 1% cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, LS cho vay trung - dài hạn giảm 1%/năm và ngắn hạn giảm 0,5%/năm đối với khách hàng cá nhân triển khai từ ngày 13.9 đến hết 31.12.2024. Bên cạnh giảm LS cho vay, VPBank cũng điều chỉnh mức ưu đãi LS từ 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu tiên cho toàn bộ khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn tại NH khác hoặc vay mua bất động sản, vay xây dựng sửa chữa nhà. Tương tự, MSB thông báo giảm 1% LS vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi ở các tỉnh thành phía bắc và giữ cố định mức LS giảm này đến muộn nhất ngày 31.1.2025.
Ngân hàng đang triển khai các biện pháp giảm lãi vay, cho vay mới hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ảnh: NGỌC THẮNG
Trong khối NH thương mại có vốn nhà nước, Vietcombank công bố giảm LS vay 0,5%/năm cho gần 20.000 khách hàng cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão Yagi từ ngày 6.9 đến 31.12. Theo thống kê sơ bộ, 34 chi nhánh Vietcombank và gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỉ đồng. Trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỉ đồng.
Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ giúp khách hàng kéo dài được thời hạn vay, phù hợp với nguồn thu của khách hàng, để họ có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, có nguồn thu và có thể trả nợ cho NH.
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank
Nông nghiệp, thủy sản là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề do bão lũ nên các doanh nghiệp ngành này cũng đang như "ngồi trên đống lửa". Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết theo thống kê sơ bộ cho đến thời điểm hiện nay có khoảng 12.000 khách hàng của NH với dư nợ ước khoảng 21.000 tỉ đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đây bởi tại nhiều địa phương, giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc nên mọi thiệt hại vẫn chưa được xác định chính xác. NH đang bám sát địa bàn, nắm tình hình để kịp thời giúp bà con khắc phục hậu quả, yên tâm sản xuất kinh doanh. Ngay khi bão số 3 đi qua, Agribank đã lập các đoàn công tác tỏa đi các địa phương bị ảnh hưởng, chỉ đạo tất cả chi nhánh triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng như miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, cho vay mới… để giúp người dân có thể yên tâm và phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh nhất. Dự kiến, ngay từ tuần sau, Agribank sẽ áp dụng giảm LS từ 0,5 - 2% trên LS đang áp dụng cho khách hàng tùy theo mức độ thiệt hại.
Xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, cho vay mới
Việc giảm LS cho vay chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ khách hàng. Theo Công văn 7417 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 9.9, các NH chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành…
Bà Phùng Thị Bình cho biết Agribank cũng đang triển khai các giải pháp như miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay mới… để hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ để NH có thể tổng hợp và báo cáo Chính phủ, NHNN nhằm ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng. Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng như Agribank đang áp dụng Thông tư 11 của NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng, chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư 02… Tuy nhiên, với bối cảnh thiên tai bất thường hiện nay, chắc chắn cần phải có chính sách phù hợp hơn.
"Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ giúp khách hàng kéo dài được thời hạn vay, phù hợp với nguồn thu của khách hàng, để họ có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, có nguồn thu và có thể trả nợ cho NH. Trong trường hợp bà con đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay thêm khoản mới thì Agribank hoàn toàn có quyền cho vay không có bảo đảm. Tất nhiên chúng tôi phải quản lý và có cơ sở về nguồn thu của khách hàng, song mức vay và thời hạn vay chúng tôi sẽ dựa trên tình hình cụ thể, tính khả thi của phương án cho vay và nguồn thu của từng đối tượng để quyết định", bà Phùng Thị Bình cho hay.
Ngoài giảm LS cho vay, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng các NH cần thực hiện sớm việc cơ cấu nợ cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bão lũ gây ra ở các địa phương phía bắc. Để làm nhanh thì cần có quy định mới. Còn việc xóa nợ đối với khách hàng mất toàn bộ tài sản trong đợt bão lũ lần này thì cần xem xét NH có nguồn hay không. Xóa nợ cho ai, xóa toàn bộ hay tỷ lệ bao nhiêu cần có quy định cụ thể, minh bạch nhằm tránh bị lợi dụng chính sách.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đặt vấn đề nếu NH xóa nợ thì phải dùng tiền của ai để bù vào. Hơn nữa điều này có thể tạo tâm lý ỷ lại, trục lợi chính sách. Chính vì vậy, biện pháp hỗ trợ chủ yếu hiện nay vẫn là cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, giảm lãi phí và cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Những giải pháp này đã được triển khai thời điểm dịch Covid-19 và phù hợp với quy định hiện nay.
"Biện pháp có thể triển khai nhanh lúc này là cho vay thêm để phục hồi sản xuất kinh doanh trở lại. Về lâu dài, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động liên quan đến nông nghiệp, nông thôn cần quan tâm đến việc mua bảo hiểm.
Quy định này có thể bắt buộc đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bởi thiên tai ngày càng kinh khủng khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng chủ yếu là nông nghiệp", ông Nguyễn Hữu Huân đề xuất.
Có những doanh nghiệp, cá nhân làm cả chục năm, tích cóp được bao nhiêu thì chỉ 1 lần thiên tai là mất trắng. Vì thế, việc mua bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp có nguồn để xử lý trong những lúc thiên tai như thế này.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân
Theo Thanh XuânThanh niên
https://thanhnien.vn/giam-lai-co-cau-no-cho-vay-moi-voi-khach-hang-bi-anh-huong-bao-lu-18524091515580499.htm