Ba nghị định thư vừa được ký kết với Trung Quốc đối với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu có thể giúp lĩnh vực nông sản xuất khẩu của VN gia tăng kim ngạch thêm khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Riêng năm nay, mốc kỷ lục 7 tỉ USD đang là đích đến.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết 3 nghị định thư mở đường xuất khẩu chính ngạch cho dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường nước này.
Dừa tươi VN sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Công Hân
Sầu riêng vững vàng trên cả hai chân
Trước khi có nghị định thư với Trung Quốc, năm 2023 VN xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt sản lượng trên 52.000 tấn với kim ngạch 137 triệu USD, chủ yếu qua Thái Lan. Trong khi đó, phần lớn sầu riêng tươi của VN xuất khẩu qua Trung Quốc.
Đáng chú ý, giá sầu riêng đông lạnh của VN xuất sang Thái Lan chỉ có 2.162 USD/tấn, thấp hơn mức bình quân chung là 2.632 USD/tấn. Trong khi đó, thị trường Mỹ có mức tiêu thụ lớn thứ 2 với gần 3.400 tấn và giá bán bình quân 6.087 USD/tấn. Ngay thị trường Trung Quốc nhập tiểu ngạch 326 tấn với giá bình quân tới 9.633 USD/tấn. Do trước đây, VN chưa ký nghị định thư với Trung Quốc về mặt hàng sầu riêng đông lạnh, nên người Thái tranh thủ nhập khẩu sản phẩm của VN rồi tái xuất qua Trung Quốc. Sự chênh lệch về giá cho thấy việc ký nghị định thư giúp cả VN lẫn Trung Quốc đều có lợi vì giảm bớt được khâu trung gian, giá thành hạ, đồng nghĩa thị trường được mở rộng.
Sầu riêng đông lạnh nguyên trái và sầu riêng đông lạnh tách múi sẽ là sản phẩm chủ lực của nông sản VN trong thời gian tới. Công Hân
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), thông tin: Trong năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc là gần 8 tỉ USD, trong đó riêng phân khúc sầu riêng đông lạnh chiếm khoảng 1 tỉ USD. Phân khúc thị trường này đang được chia sẻ giữa hai nước là Thái Lan và Malaysia. Theo xu hướng chung của thị trường Trung Quốc thì phân khúc sầu riêng đông lạnh cũng sẽ lớn dần lên, nên tiềm năng và triển vọng rất tốt.
"Nghị định thư mang lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng Trung Quốc khi nguồn cung thêm đa dạng nên giá cũng sẽ cạnh tranh hơn. Hiện tại đã gần vào cuối vụ nên kim ngạch sầu riêng đông lạnh có thể không đột phá. Tuy nhiên, từ năm 2025 thì chỉ riêng mặt hàng này có thể đạt con số trên 300 triệu USD và có thể gia tăng trong những năm tiếp theo", ông Nguyên dự báo.
Theo ông Nguyên, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể vượt 3 tỉ USD, góp phần nâng tổng kim ngạch mặt hàng rau quả đạt tới con số kỷ lục là 7 tỉ USD. Nhưng điều quan trọng hơn là trái sầu riêng của VN có thể đi bằng cả hai chân (tươi và đông lạnh) vào thị trường Trung Quốc. Từ đó, bền vững hơn trong tương lai thông qua việc tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm.
Dừa tươi sẵn sàng, cá sấu tái khởi động
Năm nay cũng là một năm trúng giá với mặt hàng bình dân như trái dừa tươi. Vào cao điểm mùa nắng, giá dừa tươi tại vườn lên tới 120.000 đồng/chục (12 trái) do nhu cầu nội địa cao mà xuất khẩu cũng rất tốt. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, nói: Thời điểm này đang là mùa mưa nhưng giá dừa tươi tại vườn cũng rất cao, đến 95.000 đồng/chục, còn tại nhà máy cũng lên đến 115.000 - 120.000 đồng/chục.
Đây là mức giá rất lý tưởng với người trồng dừa. Nguyên nhân là khoảng 10 năm gần đây rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, từ chế biến dừa khô đến tươi để xuất khẩu đi khắp thế giới. Những khâu trung gian cũng dần được loại bỏ, giúp người nông dân bán dừa với giá tốt hơn. Tổng giá trị của ngành dừa xuất khẩu, kể cả hàng thủ công mỹ nghệ năm 2023 vượt con số 1 tỉ USD, và dự báo với nghị định thư vừa được ký kết sắp tới kim ngạch có thể tiếp tục tăng thêm từ 10 - 20% mỗi năm.
Xuất khẩu cá sấu cũng là lĩnh vực hứa hẹn tăng trưởng mạnh. Công Hân
Theo ông Khoa, dù mới có nghị định thư nhưng trước đây sản phẩm đã được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc hoặc gián tiếp qua nước thứ ba. Thị trường này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các khách hàng nhập khẩu dừa của VN với khoảng 30 - 35% thị phần. Hiện tại, giá dừa tươi của VN bán ở thị trường Trung Quốc cũng gần bằng các sản phẩm của Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia…, cho thấy sức cạnh tranh của dừa tươi VN là rất tốt.
Trong khi các doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng và dừa hừng hực khí thế xâm nhập thị trường thì mặt hàng cá sấu đang trong quá trình khởi động lại. Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (TP.HCM) - một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này, chia sẻ: Trước dịch Covid-19, ngành này phát triển rất tốt nhưng từ sau dịch đến nay việc xuất khẩu bị đình trệ. Do chi phí lớn mà sản phẩm không có đầu ra nên các hộ chăn nuôi đã treo chuồng gần hết. Ngay cả những trại lớn ở TP.HCM cũng thanh lý cá sấu giống. Hiện tại, để gầy lại đàn cá sấu giống cần thời gian từ 6 - 7 năm. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, khi có thông tin VN đàm phán mở cửa lại thị trường cá sấu thì một số hộ cũng bắt đầu gầy lại đàn nhưng chưa nhiều.
Nhu cầu tiêu thụ cá sấu của Trung Quốc rất đa dạng từ dùng làm thực phẩm đến chế biến hàng thủ công. Đối với phân khúc cá sấu lấy da để chế biến sản phẩm cần mất thời gian nuôi từ 1 năm rưỡi - 2 năm, trong khi đó sản phẩm thực phẩm chỉ mất khoảng 1 năm. Người Trung Quốc xem cá sấu là "sư tử sông", họ mang về chế biến các món ăn có lợi cho sức khỏe. Khí hậu ở Nam bộ rất phù hợp với nghề này vì cá sấu gần như không có bệnh tật nên rất dễ phát triển. Vào thời hoàng kim, Hiệp hội Cá sấu VN ước tính mỗi năm có khoảng hơn 100.000 con cá sấu được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Với giá xuất khẩu bình quân khoảng 200.000 đồng/kg và một con cá sấu nhỏ nhất cũng trên 10 kg thì mỗi năm VN có thể thu về trên 100 triệu USD. "Tôi tin rằng với nghị định thư được ký kết, hoạt động xuất khẩu nối lại nghề này sẽ nhanh chóng phát triển trở lại vì đây là lĩnh vực rất có lợi thế ở Nam bộ", ông Hưng nói.
Hiện nay người Thái chuyển hướng sang sản phẩm đông lạnh tách múi thay vì sầu riêng tươi nguyên trái. Nếu xu hướng này thành hiện thực thì với nghị định thư vừa được ký, chúng ta cũng sẽ không bị động. Ngoài ra sản phẩm đông lạnh cũng giúp VN xâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN
Theo Chí Nhân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/xuat-khau-nong-san-nham-den-ky-luc-7-ti-usd-khi-trung-quoc-mo-rong-cua-185240820224808843.htm