Không chỉ Trung Quốc, khách hàng tại Thái Lan, Campuchia đang tăng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Mặt hàng này tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu rau quả.
Trung Quốc top đầu mua sầu riêng Việt
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỉ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất với 1,22 tỉ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia tăng mạnh mua hàng, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục là điểm sáng
Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng đến 92% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng nước ta. Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam từ năm 2022 đến nay ghi nhận sự "bùng nổ" bằng rất nhiều năm cộng lại, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD năm 2023.
Tuy nhiên, sự "bùng nổ" xuất khẩu sầu riêng cũng đã khiến ngành hàng này đối mặt với nhiều vấn đề đe dọa đến sự phát triển bền vững. Vừa qua, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo cho biết sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư “kim loại nặng” vượt mức cho phép. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh với sầu riêng Malaysia, khi nước này lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc.
Những năm gần đây, nhu cầu sầu riêng toàn cầu tăng 400% chủ yếu nhờ sức mua tăng từ Trung Quốc. Dự báo nhu cầu sầu riêng từ Trung Quốc có thể tăng gấp 15 lần trong tương lai.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cho biết, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp (6 loài); thu hái đúng độ chín, đảm bảo chất lượng; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
"Doanh nghiệp, người dân và các cơ quan cần đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư, trong đó tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm và các đối tượng kiểm dịch, tuân thủ yêu cầu quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và các yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch", ông Nam nói.
Còn theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu dùng sầu riêng chế biến tại Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng do giá sầu riêng tươi cao và khó tiếp cận đối với nhiều người tiêu dùng. Việc phát triển các sản phẩm chế biến từ sầu riêng là một chiến lược quan trọng để tăng thị phần tại thị trường này.
Người Thái đã chi đến 47 triệu USD để nhập sầu riêng Việt Nam
Người Thái đã chi đến 47 triệu USD để nhập sầu riêng Việt Nam, tăng đến 90,5% so với cùng kỳ năm 2023. Từ đối thủ, vì sao láng giềng chi bộn tiền để nhập thứ "có lúc cả thế giới chỉ Việt Nam có"?
Về việc này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – thông tin, Thái Lan không chỉ là quốc gia nông sản hàng đầu thế giới mà còn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả. Hiện Thái Lan chi tiền lớn để mua nông sản Việt Nam. “6 tháng đầu năm, thị trường này đã chi 97 triệu USD mua rau quả Việt, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Đứng đầu danh sách nhập khẩu là sầu riêng đông lạnh, chứ không phải sầu riêng tươi vì quốc gia này kiểm soát kiểm dịch thực vật rất kỹ, sợ mầm bệnh nếu mua sầu riêng nguyên trái.
Tiếp đến, Thái Lan mua thanh long, nhãn, vải Việt Nam. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan hiện cao hơn tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào tất cả các quốc gia còn lại trong ASEAN.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, Thái Lan có thời vụ sầu riêng rất ngắn, chỉ 4 tháng. Sầu riêng Việt Nam thì quanh năm. Và do hạn hán nghiêm trọng khiến sầu riêng nước này bị sụt giảm nhiều về lượng lẫn chất nên họ phải nhập khẩu về để phục vụ nhu cầu nội địa và du khách.
Ngoài ra, người Thái chủ yếu nhập sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam để tái xuất sang nước thứ 3 nhằm hưởng chênh lệch giá và một phần phục vụ chế biến các sản phẩm bánh kẹo.
Theo ông Nguyên, nếu Việt Nam sớm ký được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng này. Đây cũng là điều mà người nông dân và doanh nghiệp đang chờ đợi.
Campuchia nhập khẩu sầu riêng Việt Nam tăng gấp 230 lần
Đáng chú ý nhất, trong danh sách 10 thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nhiều nhất phải kể đến là Campuchia. Với kim ngạch đạt gần 1,7 triệu USD, tăng đến 223 lần so với năm trước, Campuchia đang đứng thứ vị trí thứ 9 trên cả Hàn Quốc là 1,4 triệu USD, tăng 61,5%. Đứng trên Campuchia là Nhật Bản đạt 2,7 triệu USD, tăng 106%. Ngược với xu hướng trên, thị trường Mỹ đạt 7,8 triệu USD, giảm 43%, đứng thứ 5 và Đài Loan đạt 11,5 triệu USD, giảm 0,8%, xếp thứ 4.
Hiện sầu riêng ở Đông Nam bộ đang vào giai đoạn cuối vụ trong khi khu vực Tây Nguyên sẽ bắt đầu vào tháng 8. Vào giai đoạn này, sản lượng sầu riêng giảm khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả chậm lại.
Thời gian gần đây, do sản lượng hạn chế nên giá sầu riêng tăng cao 20 - 30% so với cách nay khoảng 1 tháng. Theo nhiều thương lái, sầu riêng Dona loại 1 có giá trên 100.000 đồng/kg, giá xô thấp nhất 80.000 đồng/kg; còn Ri6 khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, giá xô từ 45.000 - 55.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái và doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho đợt thu hoạch rộ sầu riêng Tây Nguyên, sẽ bắt đầu trong khoảng 10 ngày tới.
“Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt giá trị cao nhất vào thời điểm tháng 9 và 10, với giá trị gần nửa tỉ USD mỗi tháng”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhưng bên cạnh cơ hội, còn nhiều thách thức rủi ro trong chuỗi sản xuất sản phẩm tỷ đô này.
Ông Ngô Xuân Nam cho hay, ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 534/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.
Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Bộ triển khai Quyết định số 534/QĐ-TTg. Trái sầu siêng sẽ là một trong những sản phẩm nông sản được quan tâm trong kế hoạch triển khai Đề án. “Chúng ta phải bỏ tư duy ăn xổi, bên trong chuỗi sản xuất cần giảm lợi ích đi một chút thì mới phát triển bền vững được”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Hạnh/ Công Thương
https://congthuong.vn/trung-quoc-thai-lan-campuchia-tang-manh-mua-hang-xuat-khau-sau-rieng-tiep-tuc-la-diem-sang-334905.html