Những thông tin vừa cập nhật từ Tập đoàn LVMH đã gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn cho thị trường hàng xa xỉ toàn cầu.
Một khách hàng cầm chiếc túi mua sắm hiệu Gucci ở London, Vương quốc Anh - Ảnh: Bloomberg
Tập đoàn bán hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp) đã dẫn đầu đợt bán tháo cổ phiếu các thương hiệu xa xỉ toàn cầu vào hôm 24-7, sau khi công ty này báo cáo doanh số bán hàng chậm hơn dự kiến do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho túi xách và rượu sâm panh.
Hạn chế mua hàng xa xỉ
Cổ phiếu của LVMH đã giảm 4,7% còn 659,4 euro/cổ phiếu, khiến giá trị thị trường của tập đoàn này giảm còn 339 tỉ euro, đánh dấu mức giảm 8,8% trong năm nay. Cổ phiếu của các công ty hàng xa xỉ khác cũng giảm trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, cũng như bất an về triển vọng của một lĩnh vực đang chững lại sau nhiều năm tăng trưởng kỷ lục.
Cổ phiếu của Công ty thời trang Hermès giảm 2,1% và cổ phiếu của thương hiệu thời trang cao cấp Brunello Cucinelli giảm 1,9% trong phiên giao dịch hôm 24-7. Công ty Richemont, sở hữu thương hiệu trang sức Cartier, giảm 1,7%, trong khi Prada giảm 5,5%. Cổ phiếu của Tập đoàn Kering, sở hữu thương hiệu Gucci, cũng giảm 4,5%...
LVMH là tập đoàn quốc tế của Pháp chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, sở hữu nhiều thương hiệu thời trang và làm đẹp nổi tiếng như Louis Vuitton, Dior, Celine và Moet Hennessy. Tuần này LVMH thông báo lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2024 của họ giảm 14% trong bối cảnh môi trường kinh tế và địa chính trị nhiều biến động.
Trang Euronews đặt câu hỏi: "Phải chăng nhu cầu hàng xa xỉ đang giảm?". Thương hiệu Burberry của Anh và Tập đoàn Richemont gần đây đều báo cáo doanh số bán hàng giảm mạnh tại Trung Quốc. Swatch Group, tập đoàn sở hữu các thương hiệu đồng hồ xa xỉ như Omega và Tissot, cũng cho biết chi tiêu của khách Trung Quốc cho những mặt hàng cao cấp đã chậm lại.
Tình hình suy giảm được ghi nhận trong bối cảnh sự phục hồi của Trung Quốc - thị trường mà nhiều thương hiệu xa xỉ nhắm đến - bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản và tỉ lệ thất nghiệp cao của thanh niên, còn các thị trường ở phương Tây suy thoái sau cơn sốt mua sắm hậu đại dịch COVID-19.
Trong trường hợp của LVMH, tập đoàn này chỉ ra trong nửa đầu năm nay, châu Âu, Mỹ và Trung Quốc là "những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất" do nhu cầu với rượu vang và rượu mạnh giảm. Thị trường Trung Quốc đã trở nên "không thuận lợi", theo LVMH.
Tìm cách vượt khó
Nằm dưới sự điều hành và kiểm soát của ông Bernard Arnault, người giàu thứ ba thế giới, LVMH có khoảng 75 thương hiệu xa xỉ trong các lĩnh vực thời trang, trang sức, khách sạn và rượu mạnh.
Trong tuyên bố hôm 23-7, tỉ phú Bernard Arnault đề cập đến những bất ổn về kinh tế và địa chính trị. Cổ phiếu LVMH lao dốc khiến tài sản của ông Arnault "bốc hơi" khoảng 11 tỉ USD từ đầu năm 2024 đến nay.
Tuy nhiên LVMH nói rằng trong bối cảnh đó họ vẫn tự tin vào hoạt động kinh doanh của mình. Tập đoàn này kỳ vọng: "Chiến lược tập trung vào chất lượng cao nhất trong mọi hoạt động của chúng tôi, kết hợp với năng lượng và sự sáng tạo vô song của các đội ngũ sẽ giúp củng cố vị thế dẫn đầu toàn cầu của Tập đoàn LVMH trong lĩnh vực hàng xa xỉ một lần nữa vào năm 2024".
Giữa lúc khó khăn, họ cũng nhìn thấy tia hy vọng. Tuy doanh số bán hàng của LVMH tại châu Á, ngoại trừ thị trường Nhật Bản, đã giảm 14% trong quý 2, tệ hơn mức giảm 6% của quý 1, nhưng doanh số bán hàng tại Nhật, nơi khách du lịch đang tận dụng lợi thế của đồng yen yếu, vẫn tiếp tục tăng.
Công ty này cho biết "sự tăng trưởng đặc biệt" tại Nhật trong nửa đầu năm 2024 được thúc đẩy bởi các du khách Trung Quốc. Nhật Bản là một trong những thị trường mạnh nhất về thời trang và đồ da, nước hoa, mỹ phẩm, đồng hồ, đồ trang sức trong thời gian này, theo LVMH.
Đối với Trung Quốc, giám đốc tài chính của LVMH Jean-Jacques Guiony cho biết rất khó đưa ra đánh giá về triển vọng của thị trường này. Tuy nhiên, ông lạc quan: "Chúng tôi vẫn thấy có nhiều khách Trung Quốc, đặc biệt là những khách đến Nhật Bản. Điều này cho thấy nhu cầu của người Trung Quốc đối với các thương hiệu của chúng tôi, và nhu cầu này không có dấu hiệu giảm bớt".
Còn ông François-Henri Pinault, chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Kering, cho biết: "Khi thị trường đầy thách thức, gây áp lực lên doanh thu, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tạo ra các điều kiện cho sự tăng trưởng trở lại".
Lo nhu cầu suy giảm trên diện rộng
Theo báo Guardian, hiện nay người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho túi xách, quần áo hàng hiệu, rượu sâm panh... Những con số đáng thất vọng từ các tập đoàn hàng xa xỉ như LVMH, Kering... đã ảnh hưởng đến giá trị của các công ty trong lĩnh vực này trên khắp thế giới, bên cạnh mối lo về nhu cầu suy yếu.
Giám đốc tài chính Armelle Poulou của Kering bình luận: "Hiện tại ngành hàng xa xỉ đối diện với tình trạng không chắc chắn. Chúng tôi nhận thấy ở mọi khu vực, lòng tin của người tiêu dùng mong manh và chúng tôi biết điều đó có thể tác động đến nhu cầu đối với hàng xa xỉ".
Theo Thanh Bình/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/hang-xa-xi-doi-khach-20240726074928592.htm