Ngày 16-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) kỳ tháng 7-2024. So với báo cáo hồi tháng 4, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới là 3,2% song cũng đưa ra nhiều dự báo khả quan cho kinh tế châu Á.
Cảng hàng hóa ở Busan (Hàn Quốc). Xuất khẩu tăng vọt mang đến triển vọng khả quan cho nhiều nền kinh tế châu Á - Ảnh: AFP
Báo cáo của IMF cho thấy dự báo tăng trưởng kinh tế bất ngờ tăng ở nhiều nước, ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu còn chưa bước ra hẳn tấm màn ảm đạm, trong đó sự sụt giảm bất ngờ với dự báo tăng trưởng của Mỹ và Nhật Bản là ví dụ điển hình.
Nhiều mảng màu sáng
Nhìn chung, báo cáo WEO mới nhất của IMF nâng mức dự báo năm 2024 của hầu hết các thị trường mới nổi và đang phát triển. Trong đó, mức tăng được thể hiện rõ nét nhất tại châu Á, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong báo cáo trên, IMF nhận định châu Á là điểm sáng của kinh tế toàn cầu nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng vọt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Điều này là cơ sở trực tiếp giúp kim ngạch thương mại quốc tế tăng đáng kể.
Tiêu biểu như ở Trung Quốc, việc tiêu dùng nội địa phục hồi đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng tích cực trong quý 1-2024. Nền kinh tế số 1 châu Á còn được "tiếp sức" trong những tháng đầu năm khi kim ngạch xuất khẩu tăng tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu tăng vọt trong năm 2023.
Trước sự thay đổi đó, IMF đã điều chỉnh tăng 0,4% dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2024, chạm mốc tròn 5%. Con số này sát với mục tiêu kỳ vọng khoảng 5% của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cần cẩn trọng khi IMF dự đoán tốc độ phát triển trung hạn của nước này liên tục giảm.
Dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2025 chỉ đạt 4,5% và sẽ tiếp tục giảm cho đến khi chạm mốc 3,3% vào năm 2029. Sự suy giảm này đến từ việc già hóa dân số và tốc độ tăng trưởng năng suất sẽ đạt đến mức bão hòa.
Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng là nước được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong nửa cuối năm 2024. Dự báo tốc độ phát triển năm 2024 của nước này tăng nhẹ 0,2%, lên tròn 7%. Điều này có được là nhờ vào quá trình đánh giá lại tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Ấn Độ đã hoàn tất, với kết quả tốt hơn đánh giá ban đầu.
Ngoài ra, triển vọng của mảng hàng tiêu dùng tư nhân, đặc biệt tại các vùng nông thôn, cũng tăng mạnh.
Nguồn: IMF, dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TUẤN ANH
Cơn gió bán dẫn
Cùng nhận định với IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng nhiều nước châu Á đang có một năm "băng băng" về đích kinh tế.
Theo báo Wall Street Journal ngày 16-7, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của toàn khu vực lên mức 5% trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á vừa được họ công bố. Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 4, ADB dự đoán châu Á tăng trưởng 4,9% trong năm nay.
Theo đó, báo cáo của ADB nhận định: "Khu vực này dần ra khỏi giai đoạn việc phục hồi sau đại dịch chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu nội địa. Kim ngạch xuất khẩu tăng trở lại và đang đẩy nhanh sự phát triển của cả khu vực".
Trong đó, nhu cầu cực lớn của thế giới đối với chip và hàng điện tử là "ngọn gió" đưa "con diều châu Á" bay cao. Ngành hàng này đang mang lại lợi ích lớn cho các nước hoặc vùng lãnh thổ vốn có truyền thống sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Hàn Quốc, Đài Loan.
Không dừng ở đó, ADB còn ghi nhận nhiều nền kinh tế châu Á như Philippines và Việt Nam hưởng lợi lớn từ cơn sốt bán dẫn.
Một chỉ dấu quan trọng cho triển vọng kinh tế vùng là lạm phát ở nhiều nước, vốn từng có giai đoạn gây nhiều lo lắng, đang tràn trề hy vọng giảm khi các chính sách siết chặt tiền tệ có hiệu quả và giá lương thực toàn cầu giảm.
ADB kỳ vọng lạm phát ở châu Á sẽ giảm xuống mức 2,9% trong năm 2024, so với mốc 3,3% trong năm 2023, và sẽ bình ổn ở mức 3% vào năm 2025. Đây là đánh giá rất khả quan với kinh tế châu Á, vì trong báo cáo hồi tháng 4, ngân hàng này dự đoán lạm phát chỉ có thể giảm xuống 3,2% trong năm nay.
Tuy nhiên, ADB nhắc nhở các nền kinh tế vẫn phải cẩn thận trước những biến động trong tương lai. Tác động từ các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, ngành bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy giảm, tình hình thời tiết diễn biến khó lường... là những mối đe dọa đối với đà phát triển của châu Á.
Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, Nhật Bản Trái với đà tăng chung của kinh tế châu Á và châu Âu, nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản lại bất ngờ bị hạ dự báo tăng trưởng năm 2024. Trong báo cáo của IMF, Mỹ bị hạ 0,1%, xuống còn 2,6%; còn Nhật bị hạ 0,2%, còn 0,7%. IMF nhận định nền kinh tế Mỹ đang kết thúc giai đoạn phát triển vượt trội và tiến vào giai đoạn giảm tốc nhanh hơn dự báo. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ giảm và kim ngạch thương mại nhập siêu lớn. Trong khi đó, việc Nhật Bản bất ngờ bị hạ dự báo tăng trưởng bắt nguồn từ sự gián đoạn nguồn cung ô tô tạm thời do nhà máy Daihatsu bị buộc đóng cửa trong quý 1-2024. |
Theo Ngọc Đức/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/chau-a-la-dong-luc-phat-trien-kinh-te-toan-cau-20240718082733751.htm