Ngân hàng Nhà nước truyền thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng trong nước và thế giới. Do đó, người dân cần cẩn trọng với các quyết định về giao dịch vàng sắp tới.
Khách hàng được phát số thứ tự để chờ tới lượt mua vàng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Từ chiều 3-6, bốn ngân hàng và Công ty SJC đồng loạt bán vàng cho người dân với mức giá 79,98 triệu đồng/lượng.
Thấy gì khi qua thông điệp mạnh mẽ bình ổn giá vàng
Ghi nhận cho thấy ngày đầu ngân hàng bán vàng cho người dân, nhiều nơi khá "đắt hàng" khi mở bán 1 tiếng đã hết. Tuy nhiên, cũng có người tỏ ra không "mặn mà" với việc mua vàng thời điểm này.
Chị Nguyễn Minh (42 tuổi, Hà Nội) cho biết đã lấy sổ để mua vàng tại một điểm bán của Vietcombank tại Hà Nội, nhưng phút cuối lại đổi ý. "Vẫn có khả năng giá vàng sẽ giảm mạnh nữa", chị Minh lo nên bỏ ngang, đi về.
Trong khi anh Xuân Khiêm (32 tuổi, Hà Nội) nói bản thân từng xếp hàng mua vàng hôm giá lên 90 triệu đồng mỗi lượng.
"Cũng may mắn, tôi đến một tiệm vàng thường giao dịch ở đường Quang Trung, Hà Đông nhưng cửa hàng báo hết. Nếu mua vào lúc này chắc tôi đã đu đỉnh", anh Khiêm nói.
Trên một số diễn đàn đầu tư, nhiều người cũng chia sẻ chuyện lỗ "hụt" khi có ý định tham gia vào thị trường vàng thời gian qua. Việc giá biến động liên tục với biên độ lớn khiến những người có ý định lướt sóng thấy lo ngại hơn.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Báu - tổng giám đốc Wigroup - một đơn vị dữ liệu tài chính doanh nghiệp lớn, cho biết chỉ ngay sau khi có tin Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng cho 4 ngân hàng, giá vàng đã lao dốc.
Từ mức giá hơn 90 triệu đồng mỗi lượng bán ra hôm 29-5, sau 5 ngày giá vàng miếng SJC đã giảm khoảng 8 triệu đồng và nhiều người mua vàng có thể lỗ gần 10 triệu đồng.
Vị chuyên gia cho rằng thị trường vẫn là ẩn số, nhưng rủi ro lớn luôn rình rập.
"Đấu thầu vàng từng thất bại, nhưng nhà điều hành tiếp tục dùng các giải pháp khác. Điều này cho thấy sự đồng nhất về ý chí và truyền tải thông điệp rất rõ ràng việc can thiệp giá vàng của nhà điều hành", ông Báu nhận định.
Ông Báu cũng cho biết nhiều người sẽ nhận ra "quyền lực" của nhà điều hành và đặt niềm tin hơn với các giải pháp họ đưa ra. Hiện giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh nhau khoảng 7-8 triệu đồng.
Trong khi, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới. Do đó, người dân cần cẩn trọng với các quyết định về giao dịch vàng sắp tới, ông Báu nhấn mạnh.
Để giảm tâm lý găm giữ và chờ giá vàng tăng sau đợt bình ổn, ông Báu cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên có giải pháp tăng cung vàng miếng từ khâu sản xuất.
"Với thông điệp này, đồng nghĩa với việc nguồn cung không còn khan hiếm, thành quả thu hẹp khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới còn vài triệu đồng sẽ được duy trì", ông Báu đề xuất.
Nhiều chuyên gia khác cũng lên tiếng cảnh bảo, cần thận trọng trong quyết định giao dịch vì xu hướng giá vàng miếng sẽ tiếp tục giảm do biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Đừng đầu cơ vàng
Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết bản thân rất nhiều lần đưa ra quan điểm không nên đầu cơ vàng.
Ông Hùng nói, chỉ nên mua vàng như một tài sản cất giữ, phòng ngừa rủi ro, đừng nghĩ chuyện kiếm lời ngắn hạn. "Nhà đầu tư cần tránh tâm lý đám đông, "đu đỉnh" nếu không muốn mất tiền", ông Hùng nhấn mạnh với Tuổi Trẻ Online.
Dù giá vàng đã giảm, nhưng vẫn có thể là "đỉnh" với nhà đầu tư nào đó khi họ mua xong lại nhìn giá trượt dài.
"Giá vàng sắp tới lên hay xuống không dự báo được, vì phụ thuộc vào giá thế giới.
Tuy nhiên mức chênh lệch với giá quốc tế vẫn ở mức 8 triệu đồng, thì rủi ro tương đối lớn", ông Hùng nhận định. Theo vị này, giá vàng trong nước nên cách biệt thế giới khoảng 5 triệu đồng là hợp lý.
Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm giám đốc Think Future Consultancy, nhận xét, NHNN bán vàng bình ổn để tăng cung, giảm chênh lệch.
"Ai có nhu cầu mua chính đáng như tích trữ, cho tặng có thể đến ngân hàng thương mạ mua, rất có thể được giá tốt hơn giá mua ở cửa hàng ngoài.
Khi giá bán từ ngân hàng thấp hơn, bên ngoài tự phải giảm giá. Giảm giá chính là bình ổn, mục đích kéo giảm chênh lệch coi như đạt", ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, chỉ 5 ngày sau khi NHNN công bố bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại, chưa có 1 lượng vàng nào bán ra theo cách mới nhưng chênh lệch giá vàng đã giảm từ 26% xuống 12%.
"Người dân đã chờ đợi 5 ngày qua và kỳ vọng được mua với giá thấp hơn giá bán của các cửa hàng vàng.
Chính sự chờ đợi này là một nguyên nhân khiến cầu giảm, làm giảm chênh lệch và mang lại lợi ích rõ ràng cho những người đang thực sự có nhu cầu (vì giá giảm). Bong bóng tài sản, hay làm giá đầu cơ chỉ đạt được khi đánh vào sự nóng vội của người mua", ông Linh bình luận.
Việc lượng người đông đúc xếp hàng mua hôm nay, ông Linh cho rằng, do chờ đợi 5 ngày vừa qua dồn lại. "Một điều cần lưu ý là quyết mua hôm nay cũng không chắc lợi hay thiệt, vì giá cũng có thể giảm hoặc tăng vào ngày mai và nhiều ngày sau", ông Linh nhấn mạnh.
Theo Bình Khánh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/lo-gia-vang-con-giam-nua-nhieu-nguoi-khong-dam-mua-chuyen-gia-noi-gi-20240604084240722.htm