Theo kế hoạch thì hôm qua 31.3, Ngân hàng Nhà nước có đề xuất báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Trước đó, đơn vị này đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, một trong những nguyên nhân mấu chốt khiến giá vàng trong nước đắt đỏ.
Tuy nhiên, do hôm qua rơi vào ngày nghỉ nên thị trường đang chờ đợi hôm nay 1.4 sẽ có thông tin chính thức. Câu hỏi lớn nhất lúc này là nếu bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cấp phép cho một số đơn vị được nhập khẩu vàng nguyên liệu, giá vàng trong nước sẽ giảm bao nhiêu?
Giá vàng miếng SJC dự báo giảm mạnh. ĐÀO NGỌC THẠCH
Có thể giảm hơn chục triệu
Mặc dù chưa có giải pháp chính thức nhưng thị trường vàng đã không ngừng rung lắc trong những ngày qua. Giá vàng thế giới tăng mạnh, lên mức cao kỷ lục 2.233 USD/ounce vào cuối tuần qua, thế nhưng giá vàng trong nước lại giảm. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 78,3 triệu đồng/lượng, bán ra 80,8 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 78,8 triệu đồng, bán ra 80,8 triệu đồng…
Mức giá này thấp hơn mức đỉnh mà vàng miếng SJC đạt được cách đây 2 tuần là 82,5 triệu đồng/lượng, nhờ đó vàng miếng SJC chỉ còn đắt hơn 13,6 triệu đồng/lượng (tương ứng 20,2%) so với giá vàng thế giới; vàng nhẫn đắt hơn 3,7 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức chênh lệch giá thấp nhất kể từ tháng 12.2023 đến nay.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, nhận xét nếu các biện pháp tổng thể cung ứng nguồn vàng cho thị trường đang được lấy ý kiến mà có hiệu lực thì giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên mức giảm có thể sẽ từ từ chứ không quá đột ngột. Về dài hạn, từ mức đắt hơn 13-14 triệu đồng/lượng so với giá thế giới hiện nay sẽ rút ngắn khoảng cách về 2 triệu đồng/lượng. Lúc này thị trường vàng sẽ ổn định hơn.
"Như vậy giả sử các điều kiện khác không thay đổi thì chỉ cần bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, tăng cung thì giá trong nước sẽ có khả năng giảm hơn chục triệu đồng một lượng", ông Trọng nói.
Đồng tình, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới dần dần sẽ rút ngắn lại còn dưới 4 triệu đồng, thậm chí về mức 2-3 triệu đồng/lượng như nhiều năm trước. Thực tế, vào các năm 2010 - 2011, mỗi lượng vàng miếng chỉ cao hơn giá thế giới từ 1 - 2 triệu đồng/lượng. Thế nhưng sau đó chênh lệch này ngày càng được kéo rộng ra.
"Chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới trong giai đoạn từ 2013 - 2020 cũng chỉ dao động từ 2 - 4 triệu đồng/lượng. Thậm chí, trong năm 2016 đã có 2 lần giá vàng SJC thấp hơn thế giới. Cụ thể, trong tháng 3.2016, giá vàng miếng thấp hơn thế giới 130.000 đồng/lượng và điều này lặp lại vào cuối tháng 6.2016 với mức thấp hơn khoảng 300.000 đồng. Tuy nhiên đã nhiều năm nhà nước không nhập vàng, nhu cầu lại gia tăng nên nguồn cung càng ít so với nhu cầu. Điều này đã kéo chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới có thời điểm lên gần 20 triệu đồng/lượng", vị này dẫn chứng và cho rằng khi tăng nguồn cung và không có các chính sách gì khác thì giá vàng trong nước sẽ giảm, mức chênh lệch với thế giới không thể quá cao mà chỉ ổn định như trước đây là dưới 4 triệu đồng/lượng.
Giảm nhiều hay ít tùy mức độ cung vàng
Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28.3 do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, các chuyên gia đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp (DN) đáp ứng đủ điều kiện. Hiệp hội Kinh doanh vàng VN cũng đã kiến nghị bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng, đồng thời cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất. Việc cho phép nhập khẩu sẽ theo hạn mức, trong phạm vi có kiểm soát.
Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng VN, chính quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC nên giá trong nước mới cao hơn thế giới trong thời gian qua. Nghị định 24 nếu được sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền vàng miếng, cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu thì chắc chắn giá trong nước sẽ giảm nhưng đi xuống bao nhiêu còn tùy theo sự can thiệp, nguồn cung thị trường đáp ứng bao nhiêu. Dù vậy, ông Bảng thừa nhận trong thời gian ngắn giá vàng cũng không thể đi xuống thẳng đứng như kỳ vọng của thị trường.
"Việc cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu là đúng, để họ tự lo ngoại tệ, chứ không thể Ngân hàng Nhà nước bỏ dự trữ ra để nhập vàng như quy định hiện tại", ông Bảng nhấn mạnh.
Đồng tình với đề xuất bỏ độc quyền của nhà nước về sản xuất vàng miếng, cho phép một số DN tham gia sản xuất cũng như nhập khẩu nguyên liệu, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng nếu như việc sửa đổi Nghị định 24 sớm được ban hành theo hướng bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC và thực hiện cấp phép sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số DN thì chênh lệch giá trong nước với thế giới sẽ giảm mạnh. Bởi trong những năm qua, nguồn cung vàng miếng trên thị trường rất ít trong khi gần đây nhu cầu tăng đột biến.
Việc đầu tư vào vàng cộng với sự dịch chuyển tài sản sang kim loại quý ở VN diễn ra nhiều trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, thị trường bất động sản còn khó khăn. Từ đó khiến cho cung và cầu càng cách xa nhau nên giá vàng miếng tăng cao hơn thế giới, kéo rộng mức chênh lệch. Vì vậy khi nhiều DN được phép nhập khẩu vàng, sản xuất và bán ra thị trường thì nguồn cung gia tăng và mức chênh lệch này sẽ được kéo giảm rõ ràng hơn. Tuy nhiên quá trình này cũng diễn ra từ từ theo nguồn cung đưa ra thị trường.
Theo dự báo của chuyên gia Đinh Thế Hiển, lực mua vàng trong nước từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng giảm xuống so với những tháng vừa qua. Đặc biệt với tâm lý của người VN, đầu tư vào bất động sản vẫn là lựa chọn hàng đầu. Giá nhiều bất động sản đã giảm xuống đáy và khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu tan băng thì dòng vốn sẽ lại chảy vào kênh này nhiều hơn. Giả sử giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm tăng thêm 5-10% thì tỷ lệ sinh lời này cũng không phải quá hấp dẫn với nhiều người so với kênh bất động sản. Hơn nữa, tỷ lệ tăng thêm của vàng ở mức 5-10% không dễ khi đang đứng ở đỉnh cao.
"Nếu Nghị định 24 được sửa đổi sớm và không có bất kỳ chính sách nào khác liên quan đến vàng thì mức chênh lệch giữa trong nước và thế giới sẽ kéo giảm xuống dưới 8 triệu đồng/lượng trong năm nay. Sau đó sang năm 2025, mức chênh lệch này sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 4 triệu đồng/lượng. Thậm chí, với sự điều tiết tốt của cơ quan quản lý nhà nước thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới sẽ quay lại dưới 2 triệu đồng/lượng như trước đây. Và theo tôi mức chênh lệch này là hợp lý", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Tại dự thảo báo cáo tổng kết Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến các cơ quan chức năng về vấn đề cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng khiến tồn tại chênh lệch giá vàng miếng SJC và quốc tế lâu dài có thể gây ra bất lợi. Có ý kiến đánh giá quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, tạo dư luận không tốt với công tác quản lý, điều hành. Một số ý kiến khác cho rằng nguồn cung vàng khan hiếm có thể là một phần nguyên nhân của tình trạng buôn lậu vàng do khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo Thanh Xuân - Mai Phương/Thanh niên
https://thanhnien.vn/gia-vang-mieng-se-giam-bao-nhieu-neu-tang-cung-bo-doc-quyen-185240331221252647.htm