Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động, có rất nhiều khoản phí và cách tính lãi tại mỗi ngân hàng là khác nhau, đẩy khách hàng rơi vào thế bị động
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện ngay việc rà soát các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành, một số NH thương mại cho biết đang khẩn trương thực hiện và sớm có chính sách chấn chỉnh vấn đề này.
Coi chừng mắc nợ "phí thường niên"!
Theo yêu cầu của NHNN, trường hợp NH phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài… cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.
Hiện vẫn còn rất nhiều người vẫn không biết mình đang nợ phí, nợ lãi liên quan đến thẻ ATM, tài khoản thanh toán hoặc lãi, phí thẻ tín dụng. Chị Bích Thanh (ngụ quận 5, TP HCM) kể mới đây khi có việc ghé chi nhánh NH Đông Á (DongABank) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) mới biết mình còn một tài khoản thẻ ATM nhiều năm không sử dụng và đang nợ phí hơn 500.000 đồng.
"Tài khoản này của tôi đã ngừng phát sinh giao dịch từ năm 2014, số dư tại thời điểm đó là 15.000 đồng (NH này không quy định số dư tối thiểu). Từ đó đến nay, tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc thu phí hoặc ghi nợ phí cho tài khoản của mình" - chị Thanh kể.
Chủ thẻ thanh toán và thẻ tín dụng đang phải gánh rất nhiều khoản phí hợp lý lẫn bất hợp lý mà các ngân hàng áp đặt. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau khi thắc mắc, chị Thanh được nhân viên NH này giải thích số tiền trên là nợ phí thường niên gần 10 năm qua (55.000 đồng/năm). "Đây là nợ phí, không phải nợ xấu nên không bị đưa lên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia. Nhưng nếu muốn sử dụng tiếp dịch vụ của DongABank, chị phải trả hết phí" - nhân viên NH này giải thích.
Cũng theo lời nhân viên giao dịch, nếu khách hàng không đóng phí và khóa tài khoản trên thì hệ thống của NH vẫn tiếp tục ghi nợ phí do chính sách của NH chưa thay đổi. Về việc tại sao NH không thông báo cho khách hàng về việc thu phí thường niên 55.000 đồng/năm và khách hàng đang mắc nợ, nhân viên NH giải thích do rất nhiều chủ tài khoản đã thay đổi địa chỉ chỗ ở, đổi số điện thoại, email… nên rất khó liên hệ.
Cùng với phí thường niên, một số NH vẫn còn rất nhiều khoản phí khác như phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản… được ghi nợ đối với tài khoản 0 đồng và ngừng sử dụng thời gian dài. Với chủ thẻ hiện hữu, các NH đang thu rất nhiều khoản như phí phát hành thẻ nhanh 100.000 đồng, phí cấp lại thẻ bị nuốt tại ATM, phí cấp lại số PIN 20.000 đồng, phí khiếu nại (nếu chủ thẻ sai) 50.000 đồng/giao dịch… Thậm chí, có NH còn thu phí khi khách hàng đổi điện thoại sử dụng App.
Với Eximbank, các chủ thẻ lâu năm không sử dụng dù đã được NH miễn các loại phí nhưng muốn đi hủy thẻ, đóng tài khoản vẫn phải tới trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch, thay vì thực hiện online cho thuận tiện.
Chủ thẻ tín dụng "gánh" 20 loại lãi, phí
Với thẻ tín dụng, sau vụ chủ thẻ ở Quảng Ninh bị báo nợ hơn 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm đã dẫn tới làn sóng ồ ạt đi hủy thẻ tín dụng ở khắp các NH. Từ đây cũng phát sinh đủ chuyện bất ngờ.
Chị Nguyễn Hoài (ngụ quận 3, TP HCM) kể năm ngoái chị có quen một nhân viên NH và được mời mở thẻ tín dụng với rất nhiều ưu đãi như phòng chờ sân bay, hoàn tiền khi mua sắm, tích điểm đổi quà… Tuy nhiên, từ khi mở đến nay chị chưa kích hoạt thẻ, chưa sử dụng lần nào.
"Mới đây, khi ghé chi nhánh NH để hủy thẻ, tôi được nhân viên thông báo đóng phí thường niên 550.000 đồng. Tôi không hề biết phải đóng khoản phí này. Nhân viên nói thẻ đã được hệ thống kích hoạt nên không dùng vẫn đóng phí mới hủy được" - chị Hoài kể.
Một trường hợp khác, anh Hữu (ngụ quận Gò Vấp), từng mở 2 thẻ tín dụng theo diện dành cho cán bộ nhân viên xuất sắc hơn chục năm trước. Từ đó đến nay, anh chưa từng kích hoạt và cũng không sử dụng. Khi làn sóng hủy thẻ xuất hiện, anh ra chi nhánh NH thương mại nhà nước nơi phát hành thẻ để hủy thì được thông báo phát sinh 2 khoản nợ... 15 triệu đồng và 18 triệu đồng.
"Vợ chồng tôi tá hỏa vì thẻ lạc từ lâu, không sử dụng. Khoản phí phát sinh được nhân viên giải thích là phí ban đầu tổng cộng 300.000 đồng, sau hơn chục năm thì bị tính lãi, phí phạt… Vì không hề hay biết về việc nợ phí nên tôi không đồng ý đóng. Cuối cùng, NH này nói tôi chỉ cần đóng 300.000 đồng phí ban đầu này rồi cho hủy thẻ, vì lỗi của nhân viên thời điểm đó không thông báo" - anh Hữu kể.
Khảo sát một số NH có thế mạnh thẻ, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận không ít NH có đến 20 danh mục thu phí thẻ tín dụng. Theo đó, có những mục rất "nặng ký", như phí thường niên từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng, chậm thanh toán 4%, chuyển đổi ngoại tệ khi thanh toán nước ngoài 3%-4%, xử lý giao dịch thanh toán nước ngoài 1,2%, thông báo thất lạc thẻ 220.000 đồng, in sao kê chi tiết hằng tháng 5.500 đồng, khiếu nại sai 100.000 đồng… Trong trường hợp chủ thẻ "quẹt lố" so với hạn mức cho phép, NH sẽ thu phí 3%-15% trên số tiền vượt hạn mức.
Nên công khai cách tính phí, lãi suất
Riêng với cách tính lãi suất thẻ tín dụng, lãnh đạo phụ trách mảng thẻ của một NH thương mại quy mô lớn cho biết cách thức lãi suất của thẻ tín dụng của các NH không giống nhau. Do đây là hình thức cho vay tín chấp, các NH thường cho vay với lãi suất cao để bù đắp rủi ro nếu chẳng may khách hàng không trả được nợ.
Thông thường, nhiều NH chỉ tính lãi suất đối với nợ gốc, còn tiền lãi, các loại phí liên quan không cộng dồn vào nợ gốc. Tuy vậy, trên thực tế vẫn có một số NH cộng dồn số tiền lãi, phí thường niên, tiền phạt chậm thanh toán, tiền phạt nợ quá hạn 1,5 lần lãi suất... vào nợ gốc. Khi đó, tổng nợ gốc tăng lên rất lớn, NH căn cứ vào con số này để nhân với lãi suất, tính ra số tiền khách hàng phải trả.
Ví dụ, một cá nhân đang nợ thẻ tín dụng 100 triệu đồng, lãi suất 30%/năm (2,5%/tháng). Tháng thứ nhất, dư nợ của người này là 100 triệu đồng + 2,5% (2,5 triệu đồng lãi suất) = 102,5 triệu đồng. Nếu người này chưa thanh toán thì vào tháng thứ 2, NH sẽ tính lãi suất trên dư nợ 102,5 triệu đồng. Đồng thời, tại thời điểm đó, nếu có phí thường niên là 500.000 đồng thì NH cộng vào dư nợ rồi nhân với lãi suất 2,5%/tháng để tính ra tổng nợ gốc.
Đến tháng thứ 3, giả sử chủ thẻ rơi vào nợ xấu, NH sẽ phạt lãi suất 1,5 lần. Nghĩa là lãi suất từ 30%/năm (2,5%/tháng) tăng lên 45%/năm (3,75%/tháng). NH lấy mức lãi suất này nhân với tổng nợ gốc hiện hữu. Kết quả, số tiền mà chủ thẻ tín dụng phải trả cho NH tăng lên rất nhiều.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định một trong những thiệt thòi của khách hàng trong câu chuyện lãi, phí thẻ mập mờ là việc "bất cân xứng thông tin".
Tức là khách hàng sử dụng dịch vụ NH nhưng không được thông báo thường xuyên về mức phí, lãi và cách tính lãi, phí phải thanh toán. Thậm chí, sau thời gian dài ngưng sử dụng tài khoản thẻ, khi liên hệ NH để sử dụng dịch vụ khác hoặc khi đi đóng tài khoản mới biết đang bị ghi nợ phí.
"Yếu tố này là do tình trạng bất cân xứng thông tin. Nếu các NH không rà soát tài khoản ngưng sử dụng định kỳ hằng năm để khoanh, khóa hoặc "đóng băng" lại thì cần thông tin cho khách hàng biết đang bị ghi nợ phí để có hướng xử lý. Đồng thời, sau yêu cầu của NHNN về rà soát, thống kê lại việc thu phí, các NH cần công khai khoản phí nào hợp lý thì thu tiếp, khoản nào không hợp lý phải hủy bỏ. Tránh "ma trận" các khoản phí được lập ra để tạo gánh nặng cho khách hàng" - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Ngân hàng nói gì?Liên quan đến khoản phí thường niên đối với tài khoản 0 đồng ngưng sử dụng nhiều năm, một lãnh đạo DongABank cho hay NH đang rà soát lại toàn bộ. Đối với phí thường niên thẻ tín dụng, đại diện một NH giải thích do thẻ tín dụng được phát hành bởi NH và tổ chức thẻ quốc tế. Do đó, ngay khi thẻ được phát hành, NH đã phải trả khoản phí cho tổ chức thẻ nên dù khách hàng có kích hoạt hay không vẫn phải trả phí phát hành hoặc phí ban đầu. |
Theo Thái Phương - Thy Thơ/ NLĐ
https://nld.com.vn/chong-mat-voi-lai-phi-the-196240327205355877.htm