Sau khi huy động số tiền lớn từ việc phát hành trái phiếu, nhiều công ty bất động sản bị xử phạt do thiếu minh bạch trong công bố thông tin về tình hình trả gốc và lãi, thực hiện cam kết với chủ nợ...
Năm 2024 và 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản gánh áp lực lớn trả nợ trái phiếu. Trong ảnh, hoạt động giao dịch tại một ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ra hàng loạt quyết định xử phạt đối với nhiều công ty bất động sản, liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Không công bố tình hình trả nợ, sử dụng vốn huy động từ bán trái phiếu
Điển hình như mới đây Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia vừa bị xử phạt hành chính 92 triệu đồng, vì không công bố báo cáo tài chính năm 2020 đến 2022, "ém" tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu năm 2020 và bán niên 2021, tình hình thực hiện cam kết với người sở hữu trái phiếu năm 2022.
Ngoài ra, Bất động sản An Gia còn chậm trễ công bố việc sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2021 và 2022, báo cáo tài chính bán niên 2022 và 2023...
Song song đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng xử phạt với Công ty cổ phần Đại Nam 85 triệu đồng. Doanh nghiệp do ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng) làm chủ tịch hội đồng quản trị, đã không công bố thông tin định kỳ với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về: báo cáo tài chính, tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu, tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 2021.
Trường hợp Công ty cổ phần Hưng Vượng Developer huy động 600 tỉ đồng từ lô trái phiếu đã phát hành năm 2021, nhưng không công bố báo cáo định kỳ năm 2022 về việc sử dụng số tiền thu được. Đồng thời công bố chậm nhiều tài liệu khác liên quan đến tài chính, tình hình sử dụng vốn từ trái phiếu phát hành...
Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Danh Việt (Bình Thuận) cũng thể hiện sự thiếu minh bạch, khi không công bố báo cáo định kỳ năm 2022 về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với hai đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị hơn 1.540 tỉ đồng.
Kèm theo đó, công ty công bố chậm trễ nhiều tài liệu về báo cáo tài chính đã được kiểm toán, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu... Sau cùng, doanh nghiệp bị phạt tổng cộng 92,5 triệu đồng.
Thông tin sai lệch về việc sử dụng vốn huy động từ cổ phiếu
Gần đây Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa bị phạt tổng 470 triệu đồng, vì "ém" thông tin liên quan đến thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021, công bố thông tin sai lệch về việc sử dụng tiền huy động được...
Cụ thể, vào cuối năm 2021 DIC Corp từng phát hành 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ, gom về 1.500 tỉ đồng. Ban đầu, doanh nghiệp cho biết dùng tiền trên để đầu tư vào dự án khu đô thị mới Vũng Tàu, thanh toán khoản tiền còn thiếu cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Tân Long. Song báo cáo cuối năm 2023 lại nêu doanh nghiệp đầu tư vào dự án khu đô thị mới Vũng Tàu, giải ngân thanh toán chi phí công tác chuẩn bị đầu tư dự án, đền bù giải phóng mặt bằng.
Sau khi nhận quyết định xử phạt từ phía cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, mới đây DIC Corp đã chính thức thay đổi phương án sử dụng vốn huy động, để đúng quy định pháp luật.
Mắc sai phạm, Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes cũng bị phạt tổng cộng 280 triệu đồng. Cụ thể, doanh nghiệp chậm trễ công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, công bố thiếu thông tin về công ty con gián tiếp (Đầu tư Xây dựng Xuân Đỉnh, Sunshine AM), công ty liên kết gián tiếp (Bảo Tín Sơn Tùng, Xây lắp Sunshine E&C), báo cáo thường niên năm 2021 chưa nêu cụ thể về việc thực hiện dự án lớn, không có tình hình nợ phải trả...
Áp lực lớn trả nợ trái phiếu trong năm 2024 và 2025 Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA) cho biết áp lực đáo hạn vào năm 2024-2025 tương đối lớn, tổng giá trị lần lượt hơn 278.200 tỉ đồng và hơn 294.400 tỉ đồng, trong đó có khoảng 40% trái phiếu bất động sản. Năm nay, một số điều thuộc nghị định 08 hết hiệu lực và áp dụng trở lại nghị định 65, các quy định về phát hành trở nên chặt chẽ hơn, nên hoạt động phát hành để đảo nợ có thể sẽ gặp khó khăn. |
Theo Bông Mai/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/loat-cong-ty-bat-dong-san-bi-phat-vi-em-thong-tin-sau-khi-gom-hang-ngan-ti-tu-trai-phieu-20240114105934841.htm