Lãi suất tiết kiệm đã xuống ở mức thấp nhất lịch sử nhưng lãi vay vẫn còn cao. Chính phủ đã có chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục giảm lãi vay trong năm nay.
Lãi vay cao gấp đôi tiết kiệm
Trong những ngày đầu tháng 1, lãi suất (LS) tiết kiệm tiếp tục giảm từ 0,1 - 0,7%/năm tùy ngân hàng (NH). Chẳng hạn, LPBank giảm lãi từ 0,5 - 0,7% ở các kỳ hạn, xuống 2%/năm ở kỳ hạn 1-2 tháng; 3 tháng còn 2,5%/năm; 6 tháng còn 3,5%; trên 12 tháng từ 5%. KienLongBank giảm lãi 0,2% đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, LS kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 5%/năm; 10 - 12 tháng còn 5,3%/năm; mức LS huy động cao nhất là 5,9%/năm ở kỳ hạn 60 tháng… Ngoài ra, các nhà băng khác như MB, Techcombank, MSB, BaoVietBank… cũng giảm lãi huy động xuống khá thấp. Trên các bảng LS tiết kiệm của các NH, mức 6%/năm chỉ còn xuất hiện ở vài nhà băng.
Lãi suất tiết kiệm giảm sâu. Ngọc Thắng
LS huy động của các NH giảm khá mạnh so với cách đây 1 năm, có những kỳ hạn thấp hơn từ 1-9 lần. Đối với không kỳ hạn, nhiều NH điều chỉnh giảm từ 0,5 - 1%/năm xuống còn 0,1%/năm, thấp hơn 5-9 lần. Ở kỳ hạn 1-2 tháng, LS giảm từ 5 - 6%/năm xuống còn 1,9 - 4%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng có lãi từ 5 - 6%/năm thì nay chỉ còn từ 2,5 - 4%/năm; 6 tháng từ 6 - 9,1%/năm thì nay còn 3,5 - 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng phổ biến từ 7,3 - 9,5%/năm xuống còn 4 - 5,6%/năm… Mặt bằng LS trung bình 12 tháng niêm yết dành cho khách hàng là 4,4%/năm đối với nhóm NH thương mại cổ phần nhà nước và 5,3%/năm đối với nhóm NH thương mại cổ phần, giảm 2 - 3,5% so với cuối năm 2022.
LS huy động xuống thấp nhưng lượng tiền vẫn đổ vào NH. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi vào hệ thống các tổ chức tín dụng cuối năm 2023 lên 13,5 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 13,2%, tương đương tăng thêm 1,68 triệu tỉ đồng, mức tăng cao nhất từ trước đến nay và cao gần gấp đôi năm 2022. Trong đó, các NH lớn có tốc độ huy động vốn cao như BIDV tăng trưởng huy động vốn 16,5%, VietinBank đạt 13,7%, Vietcombank tăng 12,1%.
Chính vì lượng tiền vẫn đổ vào NH nên LS cho vay mới của các nhà băng có xu hướng giảm xuống để đẩy mạnh vốn ra. Mới đây, Vietcombank tung ra gói tín dụng 160.000 tỉ đồng dành cho cá nhân vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh với LS từ 5,3 - 6,6%/năm tùy theo thời gian vay từ 3 - 12 tháng. Một số NH còn áp dụng LS cho vay thấp chỉ từ 3 - 5%/năm trong khoảng thời gian từ 1-3 tháng. Đối với khoản cho vay mua bất động sản, các NH chạy đua giảm lãi vay đối với khách hàng cá nhân, LS cho vay những tháng đầu từ 5,9 - 6,5%/năm, những tháng sau đó thả nổi. LS cho vay mua nhà trung bình của những khoản cho vay mới và khoản vay hiện tại cũng đã điều chỉnh về mức 9 - 10%/năm, tương đương năm 2021.
Khảo sát một số khách hàng đang vay cho thấy những khoản vay mới có lãi vay thấp hơn trung - dài hạn. Chị Phạm Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết NH đang tính lãi khoản vay cũ hạn mức 2 tỉ đồng ở mức 9%/năm. Chị Thanh dự kiến chuyển qua NH khác để có mức lãi thấp hơn, từ 6 - 7%/năm. Trong khi đó, ông Lê Việt (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay ông vay vốn cho mục đích sản xuất dưới hình thức hộ kinh doanh. Mới đây, NH thông báo giảm LS cho vay xuống còn 6,5%, thấp hơn mức 8,5% của 3 tháng trước đó.
Theo ông Việt, nhân viên NH tư vấn ông chỉ nên vay thời hạn 6 tháng thì LS tốt hơn kỳ hạn 12 tháng. "Đây là mức LS thấp nhất trong vòng 3 năm qua mà tôi được vay. Nhưng có vẻ NH không khuyến khích vay kỳ hạn dài nên nhân viên tín dụng thông thường chỉ tư vấn hồ sơ cho vay 6 tháng, 9 tháng hay 12 tháng. Nhưng vay ngắn hạn khiến áp lực trả nợ cao hơn. Do tôi vay cũng không quá nhiều nên vẫn chấp nhận được", ông Lê Việt chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, cũng thông tin lãi vay mới của các NH đưa ra cũng chỉ 6,3%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong khi khoản vay trung hạn của công ty vẫn phải trả LS 11%/năm và chưa được thay đổi. Hơn nữa, NH có vẻ cũng không chào mời các gói vay trung - dài hạn mà hầu như chỉ "chào mới", tung các chương trình ưu đãi cho vay vốn lưu động từ 1 năm trở xuống.
Cần giảm lãi vay trung - dài hạn
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, từ trước đến nay các NH đều cho vay trung - dài hạn với LS cao hơn cho vay ngắn hạn vì khoản vay thời gian càng dài thì tỷ lệ rủi ro càng cao. Điều này cũng cho thấy các NH hầu như không khuyến khích khoản vay trung - dài hạn. Về lý thuyết, doanh nghiệp chỉ nên vay vốn NH để phục vụ cho hoạt động kinh doanh ngắn hạn. Chẳng hạn như mua nguyên vật liệu cho sản xuất vài tháng tới nhưng thiếu vốn thì sẽ vay NH.
Riêng đối với khoản vay trung - dài hạn để mua sắm trang thiết bị, máy móc, mở rộng nhà xưởng… thì doanh nghiệp phải huy động vốn trên thị trường tài chính. Đó là thông qua phát hành cổ phiếu hay vay nợ qua phát hành trái phiếu. Thế nhưng hiện nay thị trường trái phiếu chưa hồi phục sau những vụ vi phạm, đơn vị phát hành chậm trả lãi và vốn… khiến nhà đầu tư nản lòng. Bên cạnh đó, kênh chứng khoán cũng đang loanh quanh ở vùng thấp, tình hình doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn.
Vì vậy, doanh nghiệp huy động được vốn dài hạn thông qua thị trường tài chính hiện nay rất ít, chỉ có một số công ty lớn, có thương hiệu. Do đó đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn NH. Đây là yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp VN vì LS vay trung - dài hạn ở mức cao, điều kiện vay khó khăn.
TS Huỳnh Thanh Điền kiến nghị: Trong bối cảnh Chính phủ tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế và NHNN cũng đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 thì các nhà băng nên xem xét giảm nhanh cả LS cho vay trung - dài hạn. LS phải giảm hơn thì các công ty mới mạnh dạn vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất. Theo ông, trong dài hạn, Chính phủ vẫn phải đẩy mạnh các giải pháp để lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với thị trường chứng khoán, xem xét đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư, nâng hạng thị trường. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trên thị trường tài chính nói chung để hạn chế các hành động vi phạm. Khi nhà đầu tư có niềm tin thì mới bỏ tiền đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các doanh nghiệp mới có thể huy động được vốn, giảm bớt việc sử dụng vốn vay từ NH.
Lý giải LS cho vay trung - dài hạn cao hơn so với ngắn hạn, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết LS huy động và cho vay hiện nay đã giảm khá xa so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Hiện nay có đến 80% nguồn vốn huy động của các NH đến từ ngắn hạn, chỉ 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng nằm ở trung và dài hạn. Các NH cho vay trung và dài hạn thường dựa vào LS huy động trung và dài hạn 12 tháng hoặc 24 tháng cộng với biên độ, dẫn đến kỳ điều chỉnh LS cho vay trung - dài hạn có độ trễ rất xa so với LS huy động.
LS huy động ngắn hạn khó có thể giảm thêm, còn LS huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có thể duy trì ở mức trên 5%/năm là phù hợp, bởi lạm phát ở mức 3% thì LS này dương vẫn có thể hỗ trợ NH huy động vốn. Riêng LS cho vay có thể giảm thêm vì hiện nay còn tương đối cao so với huy động.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Theo Thanh Xuân - Mai Phương/Thanh niên
https://thanhnien.vn/lai-suat-huy-dong-thap-ky-luc-lai-vay-the-nao-1852401102139466.htm