Doanh thu một số doanh nghiệp công nghệ Việt đầu tư ra nước ngoài tăng trưởng tốt, biên lợi nhuận gộp rất cao, đem về lượng ngoại tệ dồi dào.
Ban lãnh đạo FPT Software đón nhận tin vui khi cán mốc doanh thu 1 tỉ USD xuất khẩu phần mềm - Ảnh: FPT
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam vẫn ghi nhận điểm sáng tích cực.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ tỉ USD
Trong thông báo phát đi ngày 22-12, FPT công bố đã cán mốc 1 tỉ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài. Kết quả này đưa FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỉ USD từ xuất khẩu phần mềm.
Nếu Tập đoàn FPT có FPT Software - một công ty thành viên phụ trách lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài thì Viettel có tổng công ty chuyên đầu tư quốc tế - Viettel Global. Năm ngoái, Viettel Global lần đầu vượt 1 tỉ USD doanh thu hợp nhất.
Cụ thể năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel Global đạt 27.329 tỉ đồng, tăng trưởng 21% so với thực hiện năm trước. Dòng tiền về Việt Nam cao nhất từ trước đến nay đạt 442 triệu USD...
"Cùng với đó, chiến lược chuyển dịch kinh doanh từ dịch vụ viễn thông truyền thống sang các dịch vụ số và công nghệ thông tin cũng được triển khai mạnh mẽ và thu được những kết quả nhất định, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng của tổng công ty" - bà Nguyễn Thị Hải Lý, chủ tịch HĐQT Viettel Global, viết trong báo cáo thường niên năm 2022.
Sang 2023, kết quả 3/4 chặng đường cho thấy doanh thu tiếp tục khả quan với doanh nghiệp viễn thông - công nghệ này. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2023, doanh thu thuần chín tháng đầu năm 2023 của Viettel Global đạt 20.628 tỉ đồng, tăng tới 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Chưa vươn tới mốc tỉ USD nhưng một số doanh nghiệp công nghệ khác của Việt Nam cũng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đi ra thế giới. Như Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC - một doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ và giải pháp công nghệ top 5 Việt Nam - cũng "bắt tay" với hàng loạt đối tác lớn trên thế giới như Samsung, Microsoft, Dell, SAP...
Biên lợi nhuận cao "đáng mơ ước"
Điểm đáng chú ý khi nhìn vào bảng kết quả hoạt động kinh doanh của Viettel Global là biên lợi nhuận cao "đáng mơ ước" khi đạt xấp xỉ 50%. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này không ngừng được cải thiện trong nhiều năm gần đây, đi lên từ mức 16% năm 2016 lên 46% năm 2022.
Kết quả này có được nhờ doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động kinh doanh có biên lợi nhuận cao.
Mục tiêu doanh thu Viettel Global đặt ra cho cả năm 2023 là 28.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tối thiểu sẽ tương đương năm 2022, tức là 3.014 tỉ đồng. Kết quả sau chín tháng, lợi nhuận trước thuế Viettel Global đạt được 2.304 tỉ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ và thực hiện được 76% so với kế hoạch.
Giai đoạn 2021 - 2025, CMC cũng đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu tỉ USD và quy mô hơn 10.000 nhân sự. Về kết quả kinh doanh, chín tháng đầu năm nay, CMC đạt doanh thu hợp nhất 5.389 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 230 tỉ đồng.
Năm 2022 (kỳ báo cáo từ 1-4-2022 đến 31-3-2023), Tập đoàn công nghệ CMC đã đạt doanh thu 7.668 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 355 tỉ đồng, lần lượt tăng 22% và 12% so với thực hiện năm trước.
Đầu tư lớn, mua doanh nghiệp ngoại
Để hái "quả ngọt", nhiều doanh nghiệp phải đầu tư lớn.
Năm 2009, Viettel Global bắt đầu "xuất khẩu" hai mạng viễn thông thương hiệu Metfone tại Campuchia và Unitel tại Lào. Những năm sau đó, Viettel Global tiếp tục mở rộng tới Timor Leste, châu Mỹ, Peru, châu Phi và Myanmar với những thương hiệu khác nhau.
Tuy nhiên đến nay, lãnh đạo Viettel Global xác định lĩnh vực viễn thông trên thế giới đang dần trở nên bão hòa, không gian tăng trưởng ngày càng hạn chế. Trong khi đó, các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, dịch vụ số, nội dung số tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao và phát triển nhanh chóng.
"Viettel Global cũng sẽ không nằm ngoài xu thế này. Năm 2023, tổng công ty tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh doanh mới, ưu tiên công nghệ số, chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng bền vững, hiệu quả", bà Nguyễn Thị Hải Lý nêu chiến lược phát triển tại báo cáo thường niên.
Bà Lý cũng tiết lộ sẽ đa dạng hóa các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) nhằm chủ động nguồn vốn và tăng cường tính hiệu quả.
Nhìn sang FPT, chỉ trong vòng một năm, tập đoàn này cũng đã thực hiện bốn thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. Không chỉ đến năm nay, từ 2014, FPT liên tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới.
FPT cũng cho biết đã mở rộng và nâng tầm hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi nhất thế giới như SAP, Microsoft, AWS, Salesforce, Adobe, gia nhập Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng..., cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ đến từ Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, đem về những hợp đồng quy mô hàng chục, hàng trăm triệu USD.
Ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, từng cho biết cuối năm 2023 doanh nghiệp sẽ đạt doanh thu 1 tỉ USD từ thị trường nước ngoài, 5 năm nữa dự kiến doanh thu sẽ nâng lên 5 tỉ USD.
"Rất khó để chúng tôi đạt được điều này nếu chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam. Lời khuyên cuối cùng của tôi là công nghệ. Doanh nghiệp cần ứng dụng, kết hợp năng lực với công nghệ mới nhất như AI, chip, big data... để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển", ông Bình nói.
Vốn đầu tư ra nước ngoài không trong tốp dẫn đầu Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2022 tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 534 triệu USD. Trong đó, có 109 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 426,6 triệu USD, tăng 78,7% số dự án và tăng 4,3% số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế đến hết năm 2022, Việt Nam đã có 1.611 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,75 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,8%)... Dù không xuất hiện trong danh sách tốp đầu lĩnh vực có giá trị đầu tư nước ngoài lớn nhất song hiệu quả mang lại từ lĩnh vực công nghệ, viễn thông đóng góp rất quan trọng trong bức tranh chung. |
Doanh thu đạt tới 148 tỉ USD Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin năm 2022 ước đạt 148 tỉ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, tỉ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%). Một kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3-2023 chỉ ra công nghệ thông tin - viễn thông dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỉ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn. Khảo sát cũng chỉ ra top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2023, bao gồm: (1) Tuyển dụng và giữ chân nhân tài; (2) Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới; (3) Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành và (4) Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư. |
Theo Bình Khánh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-viet-kiem-bon-tien-o-nuoc-ngoai-20231224233252021.htm