3 ngân hàng có nợ xấu trên 10%, thuộc nhóm ngân hàng yếu kém, phải cơ cấu lại nhưng được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn xây dựng phương án theo hướng tự cơ cấu, chấn chỉnh, theo Thanh tra Chính phủ.
Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, giai đoạn 2013-2017 xuất hiện trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
3/19 ngân hàng được hướng dẫn tự cơ cấu, chấn chỉnh
Theo chủ trương về nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức tín dụng, Thủ tướng đã phê duyệt các đề án về tái cơ cấu (Đề án 254, Đề án 843, Đề án 1058). Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu.
Để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ra tiêu chí phân loại nhà băng yếu kém trên cơ sở giám sát, thanh tra và kiểm toán độc lập.
Thanh tra Chính phủ cho biết, kiểm tra hồ sơ về phương án của 19 ngân hàng thương mại, có 3 đơn vị là Ngân hàng TMCP Phương Nam, Ngân hàng TMCP Việt Á và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đáp ứng tiêu chí, quy định của Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng yếu kém, thuộc đối tượng áp dụng giải pháp cơ cấu lại đối với tổ chức yếu kém theo Đề án 254.
"Nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng TMCP xây dựng, trình, phê duyệt phương án theo giải pháp tự cơ cấu, chấn chỉnh", Thanh tra Chính phủ nêu.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều khuyết điểm trong việc thẩm định, phê duyệt tái cơ cấu các nhà băng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Như tại Ngân hàng TMCP Việt Á, nợ xấu đến cuối năm 2013 chiếm đến 17% tổng dư nợ. Giá trị thực vốn điều lệ khi tính đủ các khoản còn phải trích dự phòng rủi ro và yêu cầu xuất toán theo kết luận thanh tra thấp hơn mức vốn pháp định, đáp ứng tiêu chí phân loại vào nhóm tổ chức tín dụng yếu kém.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn đơn vị này xây dựng và phê duyệt phương án cơ cấu lại giai đoạn 2013-2015 theo các giải pháp tự cơ cấu, chấn chỉnh.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Nam, trước thời điểm sáp nhập vào Sacombank (năm 2013-2014), ngân hàng phải được phân loại tổ chức tín dụng yếu kém do kinh doanh thua lỗ, tỷ lệ nợ xấu cao… Nhưng Ngân hàng Nhà nước cho ngân hàng này xây dựng phương án để có thể tự cơ cấu, chấn chỉnh.
Tại NCB, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp cơ cấu theo hướng cho phép NCB tự cơ cấu lại theo đề án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Trường hợp không đảm bảo được, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp xử lý theo quy định.
Cơ cấu ngân hàng nhiều khuyết điểm
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt một số cơ chế xử lý, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, hợp nhất, sáp nhập còn hạn chế, khuyết điểm.
Như đề án của HDBank được phê duyệt khi chưa xử lý xong khoản góp vốn, mua cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Công ty cổ phần thương mại Dầu khí, Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch.
ABBank cũng được thông qua đề án tái cơ cấu khi chưa thoái vốn xong tại công ty con, công ty liên kết.
Sacombank trích lập dự phòng, phân bổ dự phòng rủi ro chưa chặt chẽ về pháp lý. Đến thời điểm thanh tra, nhà băng này vi phạm sở hữu chéo với Ngân hàng Kiên Long và góp vốn mua cổ phần vào Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn vượt 11% quy định.
Hay như việc phê duyệt cho SHB với khoản ủy thác đầu tư, góp vốn chưa đúng quy định; việc chấp thuận cho SHB chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu cũng chưa đúng quy định. Nhà băng này cũng chưa thoái toàn bộ lãi dự thu…
Nhiều đơn vị thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu phát sinh bất cập (Ảnh: Tiến Tuấn).
Thực trạng nợ xấu: Chưa đánh giá đúng
Đối với việc thực hiện Đề án 843, kết quả xử lý nợ xấu của một số ngân hàng như LPBank (tên cũ: LienVietPostBank), MSB, ABBank, VietABank, SHB, HDBank, BacABank, SeABank, BaoVietBank, VietBank chưa đánh giá đầy đủ, đúng thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng và giải pháp.
Giai đoạn 2013-2017, Ngân hàng Nhà nước báo cáo tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm, ở mức dưới 3%, nhưng thực chất tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý vẫn trên 3%. Một số ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ xấu như: SHB, Sacombank, NamABank…
Trách nhiệm của VAMC cũng được Thanh tra Chính phủ đề cập. 34 hồ sơ mua nợ xấu của 13 ngân hàng tại thời điểm bán nợ cho VAMC có vi phạm, trong đó 59% hồ sơ có tài sản bảo đảm không còn đầy đủ tính hợp pháp, còn lại tài sản đảm bảo chưa được định giá hoặc việc định giá hết hiệu lực.
Việc theo dõi thu hồi nợ xấu chưa sát, để cho ABBank thu nợ nhưng không nộp kịp thời vào tài khoản. Một số ngân hàng trích lập thiếu dự phòng như GP Bank, CBBank, DongABank, PVcomBank...
Theo Thanh tra Chính phủ, các chính sách đảm bảo hoạt động cho VAMC chưa hoàn chỉnh, thiếu nguồn lực, thẩm quyền và các cơ chế để xử lý nhanh nợ và tài sản đảm bảo, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán nợ.
Hàng loạt vi phạm khi thực hiện cơ cấu lại ngân hàng yếu kém giai đoạn 2013-2017 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Thanh tra Chính phủ kiến nghị gì?
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khắc phục những tồn tại; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu giai đoạn 2012-2015, cá nhân, tập thể, đơn vị liên quan về những khuyết điểm trong thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần rà soát, hoàn thiện thể chế, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới. Các tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, khuyết điểm, vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền.
Thanh tra Chính phủ đề nghị VAMC rà soát vai trò trong tham gia xử lý nợ xấu, chấn chỉnh trong việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện đúng quy định, rà soát các vi phạm phát hiện qua thanh tra để khắc phục các tồn tại.
Các tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, khuyết điểm, vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền.
Bộ Tài chính cũng được Thanh tra Chính phủ kiến nghị chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm của các đơn vị thẩm định liên quan.
Theo Thảo Thu/ Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/loat-vi-pham-nganh-ngan-hang-khi-co-cau-lai-nha-bang-yeu-kem-20230712012759581.htm