Ngành ngân hàng sắp được bổ sung thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phương án chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài…
Để củng cố nội lực, mở rộng khả năng cho vay, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh…, hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng tư nhân, quốc doanh cấp tập tăng vốn
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, OCB mới đây được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ tối đa thêm 6.849 tỷ đồng, bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Phương án này trước đó đã được đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị thông qua.
Ngân hàng sẽ phát hành thêm gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
ABBank mới đây cũng đã hoàn tất nâng vốn điều lệ của ngân hàng thêm 941 tỷ đồng, lên trên 10.350 tỷ đồng. Trước đó, từ cuối tháng 5, ABBank đã thực hiện phát hành thêm 94,1 triệu cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 10% cho cổ đông.
Ngân hàng sắp được bổ sung hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn điều lệ (Ảnh: Mạnh Quân).
Đại hội đồng cổ đông HDBank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 29.000 tỷ đồng, thông qua hình thức trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu. Sau khi hoàn thành đợt phát hành này, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ hơn 25.300 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng.
TPBank cũng được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng dưới hình thức phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 39,19%. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2023, tùy vào quá trình xét duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Một loạt nhà băng tư nhân khác cũng ồ ạt lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, như VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng; hay MB có kế hoạch tăng vốn lên 53.683 tỷ đồng; NCB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 5.602 tỷ đồng lên gần 11.802 tỷ đồng…
Không chỉ nhóm nhà băng tư nhân, 4 "ông lớn" quốc doanh cũng dồn dập kế hoạch tăng vốn.
Agribank dự kiến được tăng vốn hơn 17.000 tỷ đồng, sau đề xuất của Chính phủ. Vốn điều lệ của Agribank đạt gần 34.330 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Như vậy, vốn của ngân hàng này có khả năng tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng.
Vietcombank dự kiến phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 75.000 tỷ đồng. Cổ đông BIDV trong phiên họp thường niên mới đây cũng đã thông qua phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên trên 61.557 tỷ đồng.
Hay VietinBank trong phiên họp thường niên cũng được cổ đông duyệt kế hoạch nâng vốn điều lệ từ hơn 48.000 tỷ đồng hiện tại lên 66.000 tỷ đồng thông qua nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2021 và phần lũy kế đến năm 2016.
Tăng vốn đồng nghĩa tăng áp lực lợi nhuận?
Mức vốn điều lệ tăng thêm sẽ giúp ngành ngân hàng nói chung mở rộng đáng kể dư nợ tín dụng trong nền kinh tế. Tương ứng với đó, lượng cung cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng số lượng lớn trên thị trường chứng khoán. Sau khi các ngân hàng hoàn tất tăng vốn, hàng tỷ cổ phiếu sẽ lên sàn.
Để củng cố nội lực, nhiều nhà băng nhỏ muốn tăng vốn ngay trong năm nay (Ảnh: Tiến Tuấn).
Theo một số chuyên gia tài chính, tăng vốn còn là yêu cầu tất yếu để các ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe, trước hết là mục đích đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn (CAR) theo đúng quy định. Từ ngày 1/1, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II, được quy định tối thiểu là 8%.
Nhiệm vụ tăng vốn cũng quan trọng trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh quy mô nhỏ, trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh phải rốt ráo xử lý nợ xấu của 3 tháng đầu năm vốn có chiều hướng gia tăng, việc tăng khả năng phòng thủ thanh khoản, hay nói cách khác là tăng độ vững mạnh của bảng tổng kết tài sản qua việc nâng vốn điều lệ sẽ nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, việc này cũng tăng năng lực đầu tư phát triển hệ thống, mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường đầu tư...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc các nhà băng ôm nhiều vốn cũng đồng nghĩa với những áp lực lớn về lợi nhuận từ cổ đông và nhà đầu tư.
Trong khi đó, việc cho vay những doanh nghiệp tốt, có khả năng chi trả cho ngân hàng hiện không có nhiều. 5 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 3,17%. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thanh khoản, còn nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.
"Cuộc đua tăng vốn điều lệ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tăng vốn điều lệ là tốt, nhưng càng căng vốn sở hữu càng nhiều thì ngân hàng càng phải chịu áp lực lớn", một chuyên gia tài chính cho hay.
Theo Thảo Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-cap-tap-tang-von-20230614164100196.htm