Do nhu cầu tiêu thụ giảm nên giá lợn hơi xuống thấp nhất trong hai năm qua khiến nhiều chủ trang trại, hộ nông dân thua lỗ nặng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), toàn tỉnh hiện duy trì hơn 900 nghìn con lợn. Giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang dao động từ 43 đến 48 nghìn đồng/kg tùy loại, giảm gần 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu năm.
Với mức này, trung bình người nuôi lỗ từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/con, bởi chi phí cho mỗi kg lợn khoảng 54 nghìn đồng. Giá lợn con từ 700 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/con tùy loại (giảm khoảng 300 nghìn đồng/con).
Tìm hiểu tại một số địa phương, do khó tiêu thụ nên có tình trạng người chăn nuôi phải tự giết mổ lợn mang ra chợ bán để thu hồi một phần vốn, một số gia đình tổ chức mua lợn về thịt đụng.
Trang trại lợn của HTX Kinh doanh Thanh Thao sẽ tiếp tục phải cắt giảm tổng đàn nếu thị trường không có tín hiệu tích cực trong thời gian tới.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đồng, thôn Am Ngàn, xã An Dương, huyện Tân Yên đang nuôi 10 con lợn nái và 70 con lợn thịt nặng từ 70 đến 120 kg. Theo ông Đồng, giá lợn hơi ở mức rất thấp song giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, khoảng 350 nghìn đồng/bao cám (tăng 40 nghìn đồng/bao so với hồi đầu năm).
Vì vậy, hơn hai chục con lợn đã đến kỳ xuất chuồng (đạt 120 kg/con) song gia đình ông vẫn cố nuôi thêm với hy vọng giá sẽ tăng. Để giảm chi phí, ông giảm chế độ ăn của lợn, bán bớt lợn nái. “Nếu giá lợn cứ ở mức như hiện nay thì thời gian ngắn nữa gia đình vẫn phải bán vì càng nuôi lâu càng lỗ nặng”, ông Đồng nói.
Với mức giá như hiện nay, người nuôi lỗ từ 700 nghìn đến 1 triệu đông mỗi con lợn.
Tại Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh Thanh Thao, thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang), lúc đỉnh điểm HTX nuôi hơn 1 nghìn con lợn, do khó tiêu thụ nay rút xuống còn hơn 400 con, gồm cả lợn nái và lợn thịt. Theo ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX, do chủ động được các khâu từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến giết mổ và chế biến nên HTX tránh được lỗ nhưng hiện không có lãi. Nếu giá lợn vẫn không có tín hiệu tích cực chắc chắn tới đây HTX tiếp tục phải cắt giảm số lượng lợn trong chuồng.
Trao đổi với ông Lương Đức Kiên, Phó chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y được biết, giá lợn xuống thấp là do thị trường tiêu thụ giảm sút, sản phẩm chủ yếu bán trong nước vì không đủ điều kiện xuất khẩu. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân nghỉ việc, đồng nghĩa với hàng loạt bếp ăn tập thể không còn duy trì số lượng suất ăn như trước.
Ngoài ra, thời điểm này, sản lượng gia súc, gia cầm, thủy hải sản dồi dào nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, chuyển sang sử dụng các thực phẩm như khác thị trâu, bò, gà, vịt, cá, tôm…
Nhận định sang tháng 5 thị trường tiêu thụ lợn sẽ thuận lợi hơn do các hoạt động KT-XH phục hồi tích cực, du lịch hè sôi động. Hiện tại, để giảm bớt chi phí, ông Lương Đức Kiên khuyến cáo người nuôi lợn điều tiết đàn hợp lý, loại thải những con yếu kém, chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu khác để phối chế, tự chế thức ăn chăn nuôi.
Về lâu dài, các hộ, chủ trang trại nên tham gia liên kết vào những chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ở tầm vĩ mô, ông Kiên đề xuất Nhà nước tạo điều kiện để xây dựng các kho dự trữ mặt hàng thịt lợn như một số nước đã thực hiện nhằm điều tiết, bình ổn thị trường, tránh trường hợp cán cân cung – cầu bị mất cân bằng quá lớn.
Theo Nguyễn Hưởng/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/402660/gia-lon-xuong-thap-nguoi-chan-nuoi-lo-nang.html