Thách thức chính của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam là khó hay không thể tiếp cận tài chính và các nguồn vốn lưu động.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam - đưa thông tin trên tại Hội thảo "Đổi mới tiếp cận tài chính toàn diện cho chuỗi cung ứng" do Validus Việt Nam và Công ty Tài chính quốc tế (IFC, thành viên nhóm Ngân hàng thế giới) phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 16.3.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam phát biểu tại hội thảo CTV
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hồng Anh nói, doanh nghiệp vừa và nhỏ là trụ cột của nền kinh tế tại địa phương, giữ vai trò quan trọng với nền kinh tế quốc gia, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm... Tuy nhiên, họ- bao gồm cả các hội viên trong Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
"Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, song doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận được do không có tài sản để thế chấp, hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh, việc quản trị đồng tiền còn nhiều hạn chế… Trong bối cảnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, vay vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh nhanh nhất để tăng lợi thế cạnh tranh…", ông Đặng Hồng Anh nói.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Quản lý Chương trình phát triển phát triển cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam và Campuchia (Nhóm tư vấn các định chế tài chính thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC) thông tin, có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khó hoặc không thể tiếp cận được tài chính.
Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận tài chính TN
"Tỷ trọng cho vay không dựa vào bất động sản tại Việt Nam rất thấp so với nhiều nước đang phát triển trên thế giới, chỉ chiếm 25 - 30%. Hơn 70% còn lại là khoản vay có bảo đảm bằng bất động sản. Trong bối cảnh doanh nghiệp lớn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp nhỏ càng khó khăn hơn thì cần có những sản phẩm cho vay cải tiến hơn, phải có khoản vay không cần bảo đảm tài sản mà là hàng hóa, dựa trên báo cáo tài chính... Dòng luân chuyển của tiền mặt là các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh…", bà Thanh Huyền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Bình, Tổng giám đốc Validus Việt Nam, bổ sung: "Cánh cửa cho vay vốn tín chấp đối với doanh nghiệp nhỏ ngày càng hẹp. Thế nên, một nền tảng kết nối những giải pháp tài chính toàn diện, giúp kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn hơn là điều rất cần thiết".
Theo Nguyên Nga/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/70-doanh-nghiep-vua-va-nho-kho-tiep-can-vay-von-185230316161658602.htm