Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh các doanh nghiệp cung cấp than phải chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ theo cam kết, dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện.
Chiều 3/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cùng các doanh nghiệp ngành năng lượng.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về tình trạng thiếu than của các nhà máy điện.
Trước đó, EVN có văn bản gửi Bộ Công Thương cho rằng năm 2022 việc cấp than cho điện không đúng kế hoạch với hầu hết nhà máy nhiệt điện, ảnh hưởng tới vận hành cung cấp điện. Trước dự báo nhu cầu than cho điện tăng cao so với năm ngoái, khi có thêm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành, EVN đánh giá nguy cơ cao sẽ thiếu nhiên liệu để sản xuất điện.
Bộ trưởng Công Thương tại buổi làm việc (Ảnh: MOIT).
Báo cáo về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023, dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.
Tổng than tiêu thụ là khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón, hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ xi măng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.
Đến nay, TKV đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 38,52 triệu tấn. Tổng Công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với 10 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 7,64 triệu tấn.
Trong 2 tháng đầu năm, ước lượng than thương phẩm sản xuất đạt 8,34 triệu tấn, đạt 14% kế hoạch năm; than tiêu thụ khoảng 8,69 triệu tấn, đạt 15% kế hoạch năm. Trong đó, than cấp cho điện khoảng 7,27 triệu tấn và than cấp cho phân bón, hóa chất khoảng 0,43 triệu tấn.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trong mọi tình huống, TKV, EVN, PVN và các tổng công ty, chủ đầu tư các nhà máy điện, đạm phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than, kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ.
Các doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các cam kết tại hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, đạm đã ký.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm trong nước. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua than.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/evn-lo-thieu-than-san-xuat-dien-bo-cong-thuong-hop-nong-voi-tkv-pvn-20230304090052232.htm