Lãi vay cao đang là mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Chính phủ đã yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Thế nhưng gần 1 tháng trôi qua, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao.
Lãi suất vay từ 12 - 15%/năm
Ngày 2.2, Ngân hàng (NH) TMCP Bản Việt công bố chương trình "Vay vốn ưu đãi, kinh doanh siêu lãi" với hạn mức 1.000 tỉ đồng, lãi suất 10,5%/năm dành cho khách hàng. Mức lãi suất ưu đãi này được áp dụng tối đa 3 tháng tính từ thời điểm giải ngân, dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay bổ sung vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh/nông nghiệp hoặc đầu tư trang thiết bị. Lãi suất ưu đãi mà lên tới 10,5% thì lãi vay thông thường tất nhiên còn cao hơn.
Giải pháp để phục hồi và tăng trưởng kinh tế hiện nay là cấp thiết giảm lãi vay, tăng tiếp cận vốn
Thực tế từ cuối năm 2022, 16 NH cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm. Thế nhưng với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân ở mức 12 - 15%/năm khiến khách hàng "lắc đầu" ngao ngán. Chị Lan Anh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết công việc của chồng chị bấp bênh nên quyết định mua xe ô tô để tranh thủ chạy xe công nghệ kiếm thêm thu nhập. Do chỉ mới có 200 triệu đồng nên chị Lan Anh đến NH làm thủ tục vay 500 triệu đồng. Nhân viên tư vấn vay 8 năm số tiền này, lãi suất vay trong năm đầu tiên là 13%/năm, lãi suất sau 1 năm lên 14,4%/năm, những tháng trả góp năm đầu khoảng 10 triệu đồng.
Trong khi người vay chưa hết choáng váng vì lãi vay cao thì theo nhân viên nhà băng này: "Lãi suất này là thấp rồi, có nơi cho vay đến 15%/năm". Một số doanh nghiệp vào cuối năm 2022 nhận được thông tin thông báo tăng lãi suất hợp đồng vay cũ lên 15%/năm và phải tính toán tìm nguồn tiền trả cho NH để giảm gánh nặng vốn vay.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng với mức lãi suất cho vay hiện nay quanh 15%/năm thì dù hạn mức tín dụng được tăng trưởng ở mức cao hơn năm trước khách hàng cũng sẽ khó có thể tiếp cận được dòng vốn này. Lãi suất cho vay quá cao khiến người dân không mặn mà vay vốn NH. Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế khi nguồn vốn dành cho thị trường hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng NH, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, cổ phiếu đang gặp nhiều khó khăn. Những khách hàng chấp nhận vay vốn NH với lãi suất quanh 15%/năm chủ yếu chỉ giải quyết vấn đề thanh khoản chứ mức lãi này chưa khuyến khích vay tiêu dùng, còn sản xuất kinh doanh, đầu tư thì không thể.
Giảm chi phí, tỷ lệ lãi thuần của các NH
Giải pháp để phục hồi và tăng trưởng kinh tế hiện nay, theo các chuyên gia là cấp thiết giảm lãi vay, tăng tiếp cận vốn. Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng chi phí huy động vốn của các NH ở mức cao, đặc biệt lãi suất ở mức cao nên muốn giảm lãi vay cần giảm lãi huy động. Lãi suất huy động được các NH thỏa thuận không vượt quá 9,5%/năm, cộng với biên độ thấp nhất khoảng 3% thì lãi vay cũng đã lên 12,5%/năm. "Thế nhưng mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất USD lên thêm 0,25%, lên 4,5 - 4,75%/năm nên việc điều chỉnh lãi suất huy động sụt giảm có thể tác động đến tỷ giá.
Một giải pháp có thể thực thi nhanh hiện nay đó là NH giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM)", ông Huân đề xuất và giải thích, tỷ lệ NIM của các NH hiện nay đang ở mức cao nên nhiều NH báo lãi lớn trong năm 2022. Trong khi khách hàng gặp khó khăn, nền kinh tế gặp nhiều thách thức, NIM của các NH vẫn đang phổ biến từ 3 - 7% là quá cao. Do đó, cần phải kéo giảm NIM xuống thấp, đặc biệt các NH lớn để hỗ trợ cho nền kinh tế. Ngoài ra, các nhà băng cần cắt giảm những chi phí phát sinh không cần thiết như phí bảo hiểm, tránh hiện tượng "mua bia kèm lạc" để có thêm dư địa giảm chi phí cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, bản thân các NH cũng muốn giảm lãi suất cho vay để không bị ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, tác động đến lợi nhuận công bố. Thế nhưng có giảm được lãi vay hay không còn phụ thuộc vào lãi suất huy động. Thực tế, lãi suất huy động dù đang ở mức 9,5%/năm nhưng các NH cũng khó khăn trong việc thu hút vốn. Vì vậy, nếu đưa lãi suất huy động thấp thì việc này còn khó khăn hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh các nước trên thế giới tăng lãi suất, chẳng hạn mới đây Mỹ mới tăng lãi suất thêm 0,25%/năm mà Việt Nam đi ngược lại, giảm lãi suất là bài toán khó cho hệ thống NH.
Về hoạt động bơm tiền từ NH Nhà nước qua thị trường mở gần đây nhưng lãi suất vẫn không giảm, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích, kênh này chỉ giải quyết vấn đề thanh khoản của các nhà băng, còn việc NH muốn cho vay ra phải huy động được nguồn vốn trong khu vực dân cư. Trong năm 2022, các NH tăng trưởng 14,5% nhưng tốc độ huy động vốn chỉ khoảng 6%. Qua năm 2023, định hướng tăng trưởng tín dụng vào khoảng 14 - 15%, đòi hỏi các NH phải tăng trưởng huy động vốn ở mức tương ứng. Nhưng điều này vô cùng khó cho hệ thống. "Việc kêu gọi giảm lãi suất, cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí cho vay đã được triển khai trong hệ thống NH. Khi thanh khoản thị trường tốt lên, lãi suất huy động vốn giảm sẽ kéo lãi suất vay đi xuống trong thời gian tới", ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.
Dù ông Hùng nói vậy nhưng thị trường cũng đang xuất hiện một số nhà băng giảm lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây. Chẳng hạn, Techcombank giảm 0,3 - 0,4%, lãi suất huy động tiết kiệm từ kỳ hạn 6 tháng trở lên còn 9,2%/năm; MSB giảm lãi suất tiết kiệm 0,4%/năm, mức lãi suất cao nhất của nhà băng này được điều chỉnh từ 9,4%/năm xuống 9%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng; Sacombank cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở một số kỳ hạn từ 0,05 - 0,3%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 4 tháng còn 5,7 - 5,95%/năm… Dù mức giảm không nhiều, chưa đủ để kéo lãi vay nhưng nếu NH Nhà nước có thêm các giải pháp và triển khai quyết liệt thì chắc chắn vấn đề lãi vay quá cao hiện nay sẽ được giải quyết.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cap-thiet-giam-lai-vay-cho-doanh-nghiep-185230203012759341.htm