Năm 2022, ngoài chỉ số tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay, Bắc Giang còn là một trong những địa phương đạt kết quả ấn tượng về thu hút đầu tư. Riêng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 9 cả nước, điều này thêm khẳng định Bắc Giang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Nơi “làm tổ” của nhiều tập đoàn lớn
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song bức tranh kinh tế của tỉnh năm vừa qua vẫn có nhiều điểm sáng. Nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) đạt hơn 407 nghìn tỷ đồng, vượt 11,3% kế hoạch. Trong đó, doanh nghiệp (DN) FDI ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt các khu vực sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất khu vực này đạt 358 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021, chiếm 87,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đóng góp lớn vào giá trị này phải kể đến các DN “đại bàng” tại khu công nghiệp (KCN) như: Luxshare; Fuhong, Newwing, Fuyu, Fukang thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn)… Đây cũng là những DN có số lao động và quy mô dẫn đầu các DN FDI trong tỉnh.
Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, Công ty TNHH Luxshare ICT đang đầu tư sản xuất tại KCN Vân Trung và Quang Châu với tổng vốn hơn 360 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động. Năm 2022, giá trị sản xuất của DN đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 140 tỷ đồng. Còn Foxconn là một trong những tập đoàn quy mô lớn trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Với các DN thành viên, hiện vốn đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại KCN của Bắc Giang lên tới 1,3 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động. Trong bối cảnh nhiều DN phải cơ cấu lại lao động, khó khăn đơn hàng song các DN này vẫn duy trì ổn định sản xuất, đang rà soát, chuẩn bị kế hoạch tuyển dụng thêm lao động cho năm 2023.
Đóng góp của hai tập đoàn này cộng với hơn 400 DN đang sản xuất, kinh doanh tại các KCN đã giúp Bắc Giang có tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 19,8%, gấp gần 2,5 lần cả nước, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 31,7%. Năm 2022, toàn tỉnh thu hút được hơn 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17% so với năm trước. Tính riêng thu hút FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP: Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai. Các dự án FDI tập trung ở lĩnh vực sản xuất, gia công sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics...
Với sự đầu tư, hoạt động hiệu quả của DN "đầu tàu" đã hình thành hệ thống DN vệ tinh (vender), thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nhiều DN có vender lớn, tạo thành chuỗi khép kín, sản xuất tại các KCN. Ông Nguyễn Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, dù chưa có đánh giá cụ thể song các vender là DN FDI đều có công nghệ và bí quyết công nghệ hiện đại. Qua đó, từng bước nâng hàm lượng công nghệ trong sản xuất công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH FuHong (KCN Đình Trám). Ảnh: Danh Lam.
Là vender cấp 2 của một DN sản xuất linh kiện điện tử, Công ty TNHH APS Vina, KCN Song Khê - Nội Hoàng chuyên sản xuất băng dính, mỗi tháng cung cấp khoảng 30 triệu sản phẩm. Việc đầu tư nhiều máy móc, thiết bị mới nhập khẩu từ các nước châu Âu giúp DN tăng năng suất lao động, bảo đảm đơn hàng cung cấp cho đối tác.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN
Bắc Giang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn cũng là hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ trước làn sóng dịch chuyển của dòng vốn FDI sau đại dịch Covid-19. Theo đó, để hấp dẫn các nhà đầu tư, tỉnh tranh thủ cơ hội, chủ động chuẩn bị các giải pháp trong thu hút đầu tư. Trọng tâm là ban hành cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng. Căn cứ vào tình hình thực tế, năm 2022, tỉnh tổ chức hội nghị phân tích và đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; ban hành quy định suất đầu tư và số lao động sử dụng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng có nhiều đổi mới, xác định trọng điểm vào các khu vực, đối tác lớn. Trong đó, tỉnh đã tổ chức "Hội nghị gặp mặt các tổ chức, DN, doanh nhân Hàn Quốc"; đồng thời thành lập Tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc (Korea Desk) nhằm thu hút và đẩy nhanh các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát tìm hiểu về các KCN, đô thị, khu du lịch, vui chơi giải trí, sân golf tại tỉnh. Bắc Giang đã và đang trở thành trung tâm trong chuỗi sản xuất toàn cầu các mặt hàng về điện tử, máy tính, điện thoại thông minh, pin năng lượng mặt trời… Những yếu tố trên là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới. Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dù bước đầu có những thuận lợi nhưng Bắc Giang phải cạnh tranh với các địa phương khác và rộng hơn là cạnh tranh giữa nước ta với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư. Hơn nữa, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn trên thế giới ngày càng hiện rõ, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động của DN cũng như thu hút đầu tư của tỉnh.
Năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang thu hút được hơn 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17% so với năm trước. Tính riêng thu hút FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP: Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai. |
Với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện với phương châm “Ba ít, ba cao” (ít đất, ít lao động, ít ô nhiễm môi trường; suất đầu tư cao, công nghệ cao, nộp ngân sách cao). Để thực hiện mục tiêu này và tiếp tục khơi dòng vốn FDI trong thời gian tới, trước hết vẫn cần tạo mọi điều kiện thu hút “đại bàng” lớn, nhất là chủ động đón làn sóng chuyển dịch các đơn vị sản xuất sản phẩm của hãng Apple. Việc giải phóng mặt bằng các KCN cần đẩy nhanh hơn nữa, đồng bộ với hạ tầng khác để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, yếu tố cần quan tâm nữa là thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Tăng cường liên kết giữa DN trong nước, DN FDI. Muốn trở thành một vender, các DN trong nước nên mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư công nghệ để có thể trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các tập đoàn lớn.
Cùng đó, áp dụng chuyển đổi số trong thu hút đầu tư, từ việc hoạch định chính sách, phân tích dữ liệu lớn, giải quyết thủ tục hành chính online, xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư, quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XIII) vào tháng 12/2022, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Muốn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa công nghiệp chiếm tỷ trọng cao của nền kinh tế, các cấp, ngành, đơn vị cần lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ; xác định DN là mục tiêu, động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, cần lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những kiến nghị, đề xuất, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển.
Bằng các giải pháp đồng bộ trên, tin tưởng Bắc Giang tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia, lựa chọn làm “bến đỗ” đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo Trịnh Lan/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/397595/bac-giang-thu-hut-fdi-tiep-tuc-khoi-sac.html