4
/
140935
Bắc Giang: Quy hoạch, phát triển vùng trồng cây có múi bền vững
bac-giang-quy-hoach-phat-trien-vung-trong-cay-co-mui-ben-vung
news

Bắc Giang: Quy hoạch, phát triển vùng trồng cây có múi bền vững

Thứ 4, 11/01/2023 | 11:01:45
2,155 lượt xem

Năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có hàng trăm ha cam bị chặt bỏ vì cây bị sâu bệnh và đất trồng thoái hóa. Nhiều diện tích cây có múi khác cũng đang trong tình trạng kém phát triển, nguy cơ bị đốn hạ. Không ít hộ đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác. Để cây có múi phát triển hiệu quả, bền vững cần có giải pháp căn cơ.

Quả sai nhưng... hỏng

Thời điểm này cả chục ha cam ngọt tại xã Tân Mộc (Lục Ngạn) tuy quả sai trĩu cành nhưng không được các hộ thu hoạch. Cây đang thối, héo và chết dần. Ông Vũ Công Thạc, Trưởng thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc nói: “Cữ này những năm trước, thôn Đồng Quýt cam chín đỏ các vạt đồi. Mỗi ngày có hàng chục thương nhân, xe tải lớn nhỏ tới mua, chở cam. Nay cả thôn chỉ có hơn chục ha được thu quả, tương đương với 10% diện tích. Nhiều hộ cam sai trĩu cành nhưng không được thu vì mã xấu, thối, chất lượng kém”. 

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra vườn cam ngọt đang bị sâu bệnh của hộ ông Trương Xuân Trường, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn).

Là một trong những hộ đầu tiên mang cây cam (cả cam lòng vàng và cam ngọt) về Lục Ngạn trồng, có kinh nghiệm hơn 20 năm sản xuất nhưng vụ này 3 ha cam ngọt của gia đình ông Thạc cũng chỉ cho vài chục tấn, bằng ½ sản lượng so với các năm trước. Nhiều trường hợp mất trắng vụ cam như hộ ông Nguyễn Văn Hiền (12ha), ông Vũ Công Hà (3ha). Có những gia đình trở thành tỷ phú nhờ trồng cam nay cũng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác.

Năm 2022, tổng sản lượng cam, bưởi của Bắc Giang ước đạt hơn 64 nghìn tấn. Trong đó, bưởi hơn 41,1 nghìn tấn, tăng khoảng 3 nghìn tấn; cam khoảng 42,2 nghìn tấn, giảm khoảng 6 nghìn tấn so với năm ngoái.

Ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mộc cho biết, năm 2004, Tân Mộc là xã đầu tiên của Lục Ngạn đưa cây cam vào trồng. Nhờ thâm canh hiệu quả nên chỉ với mấy sào cam ban đầu đến năm 2020 toàn xã đã có hơn 1 nghìn ha cam các loại. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, cây cam bị thoái hóa nên nhiều hộ chặt bỏ, diện tích giảm còn khoảng 350 ha.

Không chỉ Tân Mộc, hiện hầu hết các xã trọng điểm trồng cây có múi tại Lục Ngạn như: Mỹ An, Hồng Giang, Tân Quang,… diện tích cam giảm nhiều. Hàng trăm ha cam bị bỏ hoang, chặt bỏ hoặc “thả cỏ”. Các diện tích cam đều có chung hiện tượng vàng lá, cằn cỗi dẫn đến chết rút.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 10 nghìn ha cây có múi, tập trung tại huyện Lục Ngạn và một số địa phương khác như: Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang,… Trong đó, diện tích bưởi đạt hơn 5,6 nghìn ha, cam hơn 4,3 nghìn ha. Năm 2022, diện tích cây có múi của tỉnh giảm hơn 750 ha. Riêng huyện Lục Ngạn, 3 năm trở lại đây, tổng diện tích cây có múi giảm hơn 1,64 nghìn ha. Tại các huyện khác, nhiều hộ cũng đang loại bỏ bớt cây có múi trong cơ cấu cây ăn quả. Ông Nguyễn Ngọc Châu, thôn Tân Thành, xã Trường Sơn (Lục Nam) kể, sau nhiều năm thu hoạch, hiện ông đang phải loại bỏ dần vườn bưởi Diễn hơn 1 mẫu của gia đình vì đất đai cằn cỗi, cây thoái hóa, sản lượng và chất lượng kém. Dự báo của ngành chuyên môn, năm 2023 diện tích cây có múi toàn tỉnh sẽ giảm khoảng 1,3 nghìn ha.


Hộ ông Dương Huy Hạn (bên trái), thôn Ngọc Nương, xã Mỹ An trồng xen ghép táo Đài Loan vào vườn cam và vải thiều.

Chỉ phát triển cây cam ở vùng đủ điều kiện thâm canh

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện các sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT cùng Viện BVTV (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đang phối hợp thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh về “Một số biện pháp phòng trừ bệnh vàng lá trên cây có múi tại tỉnh Bắc Giang”, qua đó phát hiện cây có múi bị vàng lá dẫn đến chết có 2 nguyên nhân: Do dinh dưỡng, chăm sóc kém dẫn đến thối rễ và bệnh vàng lá gân xanh (bệnh greening) do vi khuẩn gây ra.

Giải pháp khắc phục cây chết do nguyên nhân chăm sóc kém: Người trồng phải tăng cường bón phân hữu cơ, vi sinh. Sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Giảm phân bón, thuốc BVTV hóa học. Khi cây khỏe khả năng chống chịu bệnh sẽ tốt. Riêng bệnh greening hiện vẫn chưa có thuốc phòng trừ. Do đó, người dân phải tiêu hủy những cây bị bệnh. Viện BVTV có bán kit test nhanh bệnh greening nên rất thuận tiện cho các hộ phát hiện cây bị bệnh sớm, tránh để rầy chổng cánh làm phát tán và lây bệnh sang cây khác.

Nhiều vườn cam ngọt của thôn Đồng Quýt bị chặt bỏ.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần quản chặt khâu sản xuất giống. Những vùng có cây bị bệnh greening, người dân tuyệt đối không lấy mắt, cành ghép nhân giống. Phải mua cây giống có nguồn gốc rõ ràng. Sử dụng vật liệu nhân giống rõ nguồn gốc, lấy từ cây không có bệnh greening. Riêng những diện tích có cây đã bị nhiễm bệnh, người dân phải trồng cây khác để không bị lây chéo bệnh, sau 3-5 năm mới trồng lại cây có múi.

Hiện nay nhiều hộ trồng cam tại Lục Ngạn đã chuyển sang trồng một số loại cây khác (hoặc xen ghép) như táo, vải thiều, ổi, na Thái, bơ, vú sữa hoàng kim. Mô hình ghép cam ngọt lên thân cây bưởi ngọt (cây bưởi ngọt có sức chống chịu bệnh tốt) cho kết khả quan. Đơn cử như hộ ông Vũ Công Doanh, thôn Đồng Quýt ghép 1 ha cam ngọt trên thân bưởi ngọt, năm 2022 thu 30 tấn quả.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thông tin, chủ trương của tỉnh sẽ mở rộng diện tích bưởi lên khoảng 6 nghìn ha. Riêng cam, duy trì tổng diện tích từ 3,5-3,7 nghìn ha, tập trung ở Lục Ngạn. Theo đó, chỉ phát triển cây cam ở vùng có đủ điều kiện thâm canh tập trung và chỉ khuyến khích những hộ có đủ điều kiện kinh tế trồng. Vì cam chăm sóc theo hướng hữu cơ nên cần số vốn đầu tư lớn. Thực tế, các diện tích cam bị chết, thiệt hại thời gian qua hầu hết thuộc các hộ không có điều kiện đầu tư chăm sóc.

Theo Thế Đại/BGĐT

http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/397663/bac-giang-quy-hoach-phat-trien-vung-trong-cay-co-mui-ben-vung.html

  • Từ khóa

Dân bớt gửi tiền, ngân hàng 'rục rịch' tăng lãi suất cạnh tranh với vàng, chứng khoán...

Yếu tố tác động mạnh lên lãi suất là giá các tài sản khác. Trong khi quý 1-2024, giá vàng, chứng khoán và bất động sản đều chứng kiến đà tăng mạnh, theo...
07:30 - 27/04/2024
7 lượt xem

Coca Cola là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới

Công ty Coca Cola chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu, tiếp theo là PepsiCo chiếm 5%, Nestle 3% và Danone 3%.
19:31 - 26/04/2024
310 lượt xem

Dòng vốn nước ngoài ồ ạt rời khỏi Trung Quốc

Trong những năm gần đây, phương Tây bắt đầu thay đổi căn bản chiến lược dài hạn đối với Trung Quốc đại lục.
14:25 - 26/04/2024
409 lượt xem

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê...
10:39 - 26/04/2024
505 lượt xem

Kinh tế Mỹ quý 1 tăng trưởng chậm nhất trong 2 năm

Nền kinh tế Mỹ trong quý 1-2024 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần hai năm do nhập khẩu tăng vọt. Lạm phát tăng cao khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ...
10:55 - 26/04/2024
523 lượt xem