Cuối năm là dịp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh khiến tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng nhái có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thực tế này gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong tỉnh Bắc Giang, trong nước, làm thất thu thuế nhà nước.
Diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn
Tỉnh Bắc Giang có dân số đông, địa bàn rộng, giao thông thuận tiện, lại giáp ranh với các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh và Thủ đô Hà Nội nên việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu qua địa bàn luôn diễn biến phức tạp. Tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, tập trung hàng trăm nghìn lao động khắp nơi đổ về nên lượng hàng hóa tiêu dùng lớn, cũng là môi trường thuận lợi cho gian thương.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang, chỉ trong tháng 11, các đội QLTT trực thuộc đã phối hợp lực lượng Công an tỉnh kiểm tra 86 vụ, phát hiện, xử lý 45 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử phạt hơn 292 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Trong đó có 10 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu; 8 vụ vi phạm quy định về giả mạo nhãn hiệu. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là: Bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ điện dân dụng, điện tử, quần áo, giày dép, hoa quả tươi và sấy khô...
Có thể kể ra một số vụ như: Ngày 15/11/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh kiểm tra hàng hoá của Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Tân Hoàng Long QN (Quảng Ninh) lưu thông qua địa bàn tỉnh Bắc Giang, phát hiện 1.650 chiếc USB, dung lượng 2Gb; 120 củ sạc pin điện thoại; 1.000 lọ hồ dán loại 20g không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm 44,5 triệu đồng. Sau khi xác minh, làm rõ đây là số hàng nhập lậu.
Đội QLTT số 2 kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hải sản tại Cửa hàng tiện lợi Sunny Mart, thị trấn Bích Động (Việt Yên).
Ngày 17/11/2022, Đội QLTT số 6 phối hợp với Công an huyện Tân Yên kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với cửa hàng Hùng Hiền, tổ dân phố Trong Hạ, thị trấn Cao Thượng. Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 10 thùng sơn mang nhãn hiệu KOVA K871-GOLD (loại 20 kg/thùng) và 5 thùng sơn mang nhãn hiệu KOVA K109-GOLD (loại 20 kg/thùng) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu sơn KOVA đang được bảo hộ tại Việt Nam. Sau quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, ngày 30/11/2022, đoàn kiểm tra đã xác định hành vi và lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Mai Thị Hiền (chủ cửa hàng) vì đã có hành vi “trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.
Theo Cục QLTT tỉnh, việc kiểm tra hàng hóa lưu thông rất khó. Bởi thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường vào ban đêm. Các đối tượng kê khai hàng hóa không đúng số lượng, chủng loại, ghi giá hàng hóa trong hóa đơn thấp hơn giá trị thực tế của hàng hóa bán trên thị trường. Việc kinh doanh bán hàng theo phương thức thương mại điện tử trên mạng xã hội phát triển mạnh nên trên địa bàn xuất hiện các đối tượng bán hàng không có cửa hàng, địa điểm kinh doanh tại nhà hoặc để địa điểm khác, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.
Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin
Nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, đầu tháng 11 vừa qua, Cục QLTT Bắc Giang đã phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tổ chức tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả một số nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ tại Việt Nam cho lực lượng QLTT tỉnh. Đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời gian bắt đầu từ ngày 15/11/2022 đến hết ngày 15/2/2023.
Ông Lê Quang Tú, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT tỉnh yêu cầu các đội QLTT trực thuộc tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại. Chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao và dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Từ đầu năm đến hết tháng 11, Cục QLTT đã phối hợp kiểm tra 1.007 vụ, phát hiện, xử lý 468 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 2,29 tỷ đồng. Trong đó có 90 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu; 29 vụ về buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. |
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các huyện, TP xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cụ thể phù hợp với ngành và địa phương quản lý. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả. Các ngành liên quan và lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện kịp thời các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để xử lý.
Với sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc tích cực của ngành chức năng, tin rằng hoạt động chống buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại của tỉnh sẽ thu nhiều kết quả. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, không tiếp tay cho gian thương thông qua việc mua, sử dụng hàng lậu, hàng giả, góp phần làm lành mạnh thị trường.
TheoThế Đại/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/395756/bac-giang-ngan-chan-hang-lau-hang-gia-dip-cuoi-nam.html