Đến nay, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã nhập khẩu 82 chuyến dầu thô an toàn, xuất bán hơn 4.000 xe bồn xăng… Ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN (VINPA), cập nhật đến nay Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đang vận hành hết công suất, đáp ứng đủ nguồn cung cho các hợp đồng đã ký. Còn Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đang “sản xuất bình thường” và đáp ứng được hợp đồng kinh tế với thương nhân đầu mối. Vì thế về cơ bản, nguồn cung trong nước có thể bảo đảm đủ trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Trước đó, Bộ Công thương phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý cuối năm nay khoảng 5,5 triệu m3/tấn cho 36 doanh nghiệp (DN) đầu mối, bình quân hơn 1,833 triệu m3/tấn trong 1 tháng. Năm 2023, Bộ đưa ra 2 kịch bản, giao cho các DN đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m3/ tấn xăng dầu, mức tăng từ 10 - 15% so với năm nay 2022.
Trả lời Thanh Niên, đại diện DN bán lẻ xăng dầu L.P (TP.HCM) thừa nhận vẫn chưa hết lo lắng khi chiết khấu cho DN bán lẻ vẫn còn khiêm tốn sau mỗi kỳ điều chỉnh giá giảm mạnh. Chẳng hạn, ngày 9.12, nhiều tính toán và dự báo cho thấy, giá xăng dầu tại kỳ tới sẽ giảm. Thế nên, trong 2 ngày qua, chiết khấu bán lẻ lại tăng. Tại phía bắc, chiết khấu lấy hàng tại kho lên đến 1.350 đồng/lít. Tại phía nam, chiết khấu tại kho trung chuyển khu vực miền Tây Nam bộ từ 7 giờ sáng ngày 9.12 với dầu 500 đồng/lít, xăng từ 400 - 600 đồng/lít… Thế nhưng, trong những ngày 2 - 5.12, mức chiết khấu chỉ bằng một nửa mức trên.
“Nguồn cung đã dồi dào theo quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu VN vẫn chưa có gì bảo đảm chắc chắn. Nếu trong thời gian tới, giá thế giới tăng, nguồn nhập khẩu khó tiếp cận hoặc DN không sắp xếp đủ tài chính để nhập hàng thì nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng. Tương tự, nếu chiết khấu phập phù thì DN bán lẻ lại khó khăn, dừng bán, thị trường dồi dào nhưng đổ về các hệ thống bán lẻ nhà nước... cũng có thể gây ra những khan hiếm cục bộ”, vị đại diện trên cho hay.
Trong thực tế, nhà máy lọc dầu tuy đang chạy công suất trên 100% và có thể cung ứng đến hết quý 1/2023, nhưng lo ngại nhất của các DN là nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước đang khá khó khăn. Vấn đề này cũng được nêu tại Hội nghị công tác chuẩn bị tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức ngày 8.12 vừa qua. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết do VN chỉ nhập khoảng 20 - 25% nguồn xăng dầu từ bên ngoài nên không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Trong khi đó, việc các nước EU áp giá trần với dầu của Nga có thể dẫn tới giảm sản lượng, khiến nguồn cung khó khăn hơn. Thế nên, để nguồn cung thực sự dồi dào, theo ông Hải, cần có phương án chuẩn bị, đặc biệt khi các nhà máy xăng dầu đến kỳ bảo dưỡng, sản lượng giảm.
Nên chủ động các tình huống
Đó là nhận định của PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia về thị trường xăng dầu. Ông Long cho rằng ngành công thương đã có bài học đắt giá từ việc để điều hành đứt gãy nguồn cung nhiều lần liên tục trong năm qua. Trong tháng cuối năm và đầu năm 2023, dịp Tết Nguyên đán, các diễn biến cho thấy, nguồn cung trong nước sẽ bảo đảm bảo tốt, khó xảy ra thêm tình trạng đứt gãy nữa.
Dẫn chứng, PGS-TS Ngô Trí Long nói: Vừa qua, một số DN xăng dầu vẫn tiếp tục than phiền việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, khó vay để nhập khẩu xăng dầu bảo đảm đúng sản lượng phân giao… mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm tạo điều kiện thì mới đây, chính lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN đã khẳng định NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, các ngân hàng thương mại sẽ chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các DN đầu mối để mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao. Đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, nhất là trong dịp tết sắp tới.