Ngân hàng thương mại lẫn doanh nghiệp đều đề xuất việc phân bổ hạn mức tín dụng nên tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất - kinh doanh; đồng thời có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn cuộc đua lãi suất tiền gửi
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, lãi suất huy động tại các ngân hàng (NH) thương mại vẫn duy trì ở mức cao. Một số NH tiếp tục triển khai chương trình ưu đãi, khuyến mãi để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng huy động vốn chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
Dư địa lớn nhưng không dễ cho vay
Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy nếu tính cả hạn mức (room) tín dụng vừa được tăng thêm 1,5%-2%, tổng hạn mức tín dụng cho những tuần còn lại của tháng 12-2022 là khoảng 400.000 tỉ đồng. NH Nhà nước chưa công bố tỉ lệ phân bổ về từng NH nhưng nguyên tắc điều chỉnh được thực hiện theo hướng bảo đảm các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Như vậy, nhóm NH thương mại vừa cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Dù thế, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống trong trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các NH thương mại hiện rất lớn.
Bên cạnh nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần nỗ lực ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vượt qua khó khăn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các chuyên gia tài chính - NH lý giải xu hướng tăng lãi suất chưa hạ nhiệt, một số NH thương mại thậm chí đẩy lãi suất tiền gửi lên vượt mức 10%/năm cho các kỳ hạn dài, bởi dòng tiền bị tắc ở các kênh trái phiếu, chứng khoán trong khi khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp (DN) đều có nhu cầu rút tiền về để trả lương, thưởng cho công nhân, người lao động hoặc phục vụ cá nhân.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho hay theo số liệu công bố gần nhất của NH Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chưa tới 12%, nghĩa là chưa đụng trần 14% chỉ tiêu cả năm. Điều này cho thấy các NH thương mại chưa cho vay hết room và vẫn còn dư địa để cho vay thêm.
"Tuy nhiên, việc cho vay thêm không dễ bởi huy động vốn đầu vào đang rất khó khăn. Nền kinh tế thiếu thanh khoản, lãi suất huy động đã tăng lên mức 9%-9,5%/năm để hút vốn. Nói cách khác, việc nới room không đồng nghĩa với việc dòng tiền đến được với DN" - TS Nguyễn Hữu Huân chỉ rõ.
Góp ý thêm, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng nhà nước có thể cân nhắc bơm thêm thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng thông qua thị trường mở hoặc liên NH, từ đó các NH thương mại có thêm dư địa để cho vay.
Nỗ lực ổn định lãi suất
Theo ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành NH TMCP Quân Đội, hệ thống tổ chức tín dụng thời gian qua đối mặt nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới lẫn trong nước. Việc NH Nhà nước tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10-2022 với mức 1 điểm%/lần đã góp phần giải tỏa áp lực đối với thị trường ngoại tệ và tỉ giá.
"Chúng tôi luôn có kế hoạch hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu. Trong thời gian tới, phần room tín dụng còn lại cũng sẽ tiếp tục được tập trung vào lĩnh vực ưu tiên theo định hướng" - ông Ánh cho hay.
Một lãnh đạo NH thương mại cho biết sau khi NH Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5%-2%, NH này có thêm dư địa khoảng vài ngàn tỉ đồng. Khoản tín dụng mới được cấp đủ giải quyết nhu cầu cho một số khách hàng DN đang chờ giải ngân. Lãnh đạo NH này kiến nghị chính sách phân bổ room tín dụng ngoài đáp ứng quy định về chỉ số an toàn, còn cần hướng dòng vốn đến đúng chỗ DN và NH đang có nhu cầu, góp phần giải bài toán tắc nghẽn vốn và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh nhận định mỗi DN có nhu cầu vốn khác nhau và mỗi NH có nhu cầu riêng trong việc đáp ứng vốn cho từng nhóm khách hàng DN, cá nhân. Thông thường, một DN chỉ có quan hệ tín dụng với một vài NH nên trong trường hợp DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, cần vốn lưu động, vốn tín dụng dịp cuối năm và đáp ứng đầy đủ tiêu chí nhưng NH không còn room thì rất thiệt thòi cho DN.
"DN không thể đem hồ sơ từ NH này chuyển sang NH khác chỉ vì bài toán hết room trong hệ thống. Chính sách phân bổ room tín dụng lúc này không được đổ đồng, cào bằng cho các NH thương mại mà nên phân bổ dựa vào nhu cầu của từng DN, nhất là DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên, DN sản xuất - kinh doanh" - TS Huỳnh Trung Minh kiến nghị.
Gợi ý cụ thể, TS Huỳnh Trung Minh cho rằng các NH thương mại có thể tổng hợp nhu cầu vốn của DN đang quan hệ tín dụng với mình và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chỉ tiêu an toàn rồi gửi lên NH Nhà nước để có cơ sở xem xét phân bổ room hợp lý. Cách này giúp tránh được tình trạng NH còn room nhưng DN có quan hệ tín dụng lại không cần trong khi NH khác muốn cho vay song không thể giải ngân vì cạn room.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, khẳng định không có chuyện cào bằng khi phân bổ room tín dụng. Mặt khác, dù dư địa giảm lãi suất cho vay rất hẹp bởi các tổ chức tín dụng chịu áp lực lớn về nợ xấu trong thời gian tới nhưng mục tiêu giữ ổn định lãi suất cho vay phải được đặt ra. Đồng thời, sau khi nới room tín dụng, NH Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát nhằm tránh cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi.
"Thông tin từ nhiều hiệp hội ngành hàng và DN thời gian qua cho thấy đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, sức ép về doanh thu, lợi nhuận rất khó khăn. Các NH thương mại sẽ phải chủ động dự phòng tín dụng, tăng trích lập dự phòng rủi ro để ứng phó với nợ xấu. Bài toán giảm lãi suất cho vay là rất thách thức nhưng phải nỗ lực ổn định lãi suất với mục tiêu hỗ trợ DN" - ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh thêm.
Chấp nhận lạm phát nhích lên
Báo cáo kinh tế vĩ mô do NH HSBC Việt Nam vừa công bố cho hay lạm phát toàn phần trong tháng 11 tăng 0,4% so với tháng trước, tương đương tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản ở mức gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu trong nước. NH này nhận định sức ép lạm phát có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và vượt mức trần 4%.
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, áp lực lạm phát của Việt Nam tuy tăng nhưng so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chỉ số lạm phát vẫn chấp nhận được. Do đó, mục tiêu lạm phát có thể được điều chỉnh nhích lên nhằm hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, từ đó có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của DN và nền kinh tế bởi nếu DN thiếu vốn lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi chung.
Dự báo lãi suất tiền gửi tăng tiếp
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, nhìn nhận lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân vì hạn chế thanh khoản trong bối cảnh thiếu niềm tin trên thị trường trái phiếu DN; nhu cầu huy động vốn của các NH tăng mạnh để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn, đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế và tình trạng tăng trưởng tiền gửi chậm hơn tăng trưởng tín dụng đã kéo dài từ đầu năm 2022.
Dự báo lãi suất tiền gửi sẽ giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ áp lực tỉ giá giảm cho phép NH Nhà nước bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất.
Tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động dự báo tăng nhẹ 0,5%, đáng kể so với mức tăng trên 2% trong năm nay, nhờ lạm phát có khả năng được kiểm soát dưới 4,5% theo mục tiêu đề ra và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu DN được kỳ vọng tăng khi Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/khoi-dong-von-cho-doanh-nghiep-noi-room-tin-dung-kip-thoi-nhung-chua-du-2022120721472865.htm