Trong bối cảnh thị trường chính là Trung Quốc đang giảm sút, ngành sản xuất trái cây trong nước đang tìm nhiều cách để đẩy mạnh tiêu thụ.
Xoài, sầu riêng chờ cơ hội
Theo Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu xoài VN sang Trung Quốc năm 2021 đạt 258 triệu USD quả tươi và 47 triệu USD xoài sấy, nước ép. Tuy nhiên, năm 2022, tình hình xuất khẩu xoài gặp khó khăn, những tháng đầu năm chỉ đạt chưa đến 100 triệu USD và là năm đầu tiên ngành trái cây rau quả đi thụt lùi sau một thời gian dài liên tục tăng trưởng. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit, kim ngạch xuất khẩu xoài sang Trung Quốc năm nay có khả năng sẽ giảm mạnh do nước này kiểm soát nghiêm ngặt dịch bệnh, nhiều xe chở xoài bị tồn đọng, không thông thương được dễ dàng như trước. Năm 2022, Trung Quốc cũng đã ký nghị định thư cho phép xoài Campuchia xuất sang thị trường này, xoài VN vì thế gặp cạnh tranh lớn.
Xuất khẩu trái cây đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ TRẦN NGỌC
Mặc dù gặp khó khăn nhưng phía Trung Quốc vẫn bày tỏ ý định xúc tiến hợp tác để tăng cường thu mua xoài VN. Ông Diêu Lâm, Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty nhập khẩu hoa quả Nhuận Giai, TP.Trùng Khánh (Trung Quốc), cho biết: “Sản phẩm xoài từ VN ngày càng chiếm vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc. Chúng tôi rất muốn thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp (DN) VN để tăng cường thương mại trong lĩnh vực trái cây”. Một số công ty Trung Quốc đã ngỏ ý mời Vinafruit và các DN VN tham dự hội chợ, trưng bày sản phẩm trái cây ở nước này và đặt vấn đề muốn tổ chức các đoàn khảo sát vùng trồng trái cây tại VN ngay trong thời gian tới để kết nối giao thương. Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh tiêu thụ xoài.
Bên cạnh trái xoài, trái sầu riêng cũng đang lên cơn sốt tại Trung Quốc và dự báo sẽ có một đợt chuyển đổi lớn để mở rộng diện tích trồng sầu riêng tại VN. Đến tháng 7.2022, nước ta có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng), trong đó sầu riêng là mặt hàng có nhiều tiềm năng. Bởi Trung Quốc chỉ có một số ít địa phương trồng sầu riêng như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam nhưng sản lượng cũng không nhiều.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết: “Trung Quốc từ lâu là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả VN nói chung và quả sầu riêng nói riêng. Trước khi có Nghị định thư, quả sầu riêng chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, DN xuất khẩu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao, đồng nghĩa lợi nhuận cũng sẽ ít hơn khi xuất khẩu chính ngạch”.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN- PTNT), nhận định để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, nước này yêu cầu tất cả các lô hàng đều phải có hồ sơ xuất khẩu, có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này có nghĩa là DN, hợp tác xã của VN phải áp dụng các biện pháp phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì. Những yêu cầu trên cũng đồng nghĩa với việc chất lượng chính là điều kiện quan trọng trong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch hiện nay. Để làm được điều này, các hợp tác xã, nhà vườn đã mất không ít thời gian chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, chất lượng vùng trồng, cơ sở đóng gói…
Triển vọng từ dứa
Trong số các loại trái cây thì dứa (thơm) đang có nhiều triển vọng để mở rộng thị trường tiêu thụ. Bà Trần Phương Quyên, ở ấp Phương Quới A, xã Phương Bình, H.Phụng Hiệp (Hậu Giang), một trong những hộ đã chuyển từ cây mía sang trồng cây dứa MD2 được 3 năm, cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi trồng mía, cuộc sống không khá lên nổi. Bởi vì sau một năm trồng mía, thu nhập chỉ được khoảng 10 - 20 triệu đồng/ha, có năm huề vốn, thậm chí thua lỗ. Từ khi gia đình chuyển qua trồng cây dứa MD2 cho thu nhập cao hơn, lời khoảng 60 - 70 triệu/ha/năm. Nếu trồng đạt năng suất trái từ 70 - 90 tấn/ha, với giá bao tiêu 5.700 đồng/kg như hiện nay, cùng với tiền bán chồi giống, sau khi trừ hết các khoản chi phí như làm đất, màng phủ nông nghiệp, nhân công lao động, cây giống, phân… người trồng dứa MD2 nơi đây sẽ còn lãi từ 120 - 160 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng mía”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Miền Tây (Westfood), DN này đang chuẩn bị khởi công nhà máy chế biến nông sản lớn trên diện tích khoảng 7 ha trong khu công nghiệp sông Hậu. Tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng, công suất chế biến 80.000 tấn nguyên liệu/năm. Vì vậy, đơn vị mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu để ổn định và nâng cao chất lượng đầu vào, không bị ảnh hưởng bởi sự biến động bất thường của giá cả nông sản. Dự kiến từ 2022 - 2024, Westfood sẽ mở rộng diện tích trồng đến 500 ha; từ 2025 - 2027, sẽ mở rộng đến 1.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 11.000 tấn vào năm 2024 và 30.000 tấn vào năm 2027.
Đối với thị trường tiêu thụ dứa tại châu Âu, bà Inge Ribbens, chuyên gia Bộ phận quốc tế (Hiệp hội Xúc tiến xuất nhập khẩu hoa quả tươi Hà Lan), thông tin: “Hà Lan là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng trái cây ra, vào thị trường châu Âu. Năm 2021, Hà Lan nhập khẩu trên 250.000 tấn dứa các loại và là nước có kim ngạch nhập khẩu dứa nhiều nhất trong khu vực châu Âu. Hà Lan nhập khẩu dứa chủ yếu từ Costa Rica, Ecuador, Bờ Biển Ngà và một số lượng nhỏ từ các thị trường châu Á như Thái Lan, Sri Lanka, Philippines... Dứa xuất xứ từ VN vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu các DN VN nắm rõ và thực hành tốt các quy định chung của châu Âu về tiêu chuẩn chất lượng, chính sách kiểm dịch, quy định về an toàn thực phẩm và tính bền vững liên quan đến sản phẩm (như hạn chế sử dụng bao bì hoặc sử dụng bao bì thay thế thân thiện với môi trường…) thì vẫn có khả năng mở rộng khai thác thị trường này”.
Ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán Thương mại, Thương vụ VN tại Thụy Sĩ, chia sẻ: “Hằng năm, Thụy Sĩ nhập khẩu khoảng 20.000 tấn dứa tươi, dứa đã chế biến (dứa hộp), nước dứa ép… Thụy Sĩ hiện đã nhập khẩu một số sản phẩm dứa từ VN nhưng số lượng và kim ngạch còn rất thấp. Các sản phẩm dứa của VN chủ yếu được bán tại các cửa hàng của người châu Á, người Việt, chưa được phân phối qua các kênh siêu thị lớn và mức tăng trưởng nhập khẩu hằng năm vào Thụy Sĩ không ổn định”.
Nhìn chung, thị trường các sản phẩm dứa ở Thụy Sĩ có dung lượng nhỏ, nhu cầu đã bão hòa, mức độ cạnh tranh cao, nhưng ông Nguyễn Đức Thương cho rằng vẫn có một số cơ hội thị trường ngách cho các sản phẩm dứa đóng hộp, nước dứa ép của VN.
Theo ông Bùi Vương Anh, Tham tán thương mại, Thương vụ VN tại Đức, DN VN còn có lợi thế về ưu đãi thuế theo Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) nên khả năng cạnh tranh tại thị trường này là hết sức thuận lợi. Ông Anh cũng lưu ý DN cần quan tâm chất lượng sản phẩm, đặc biệt lưu tâm tìm cách giảm các chi phí vận tải logistics đối với sản phẩm để tăng tính khả thi đối với việc cung cấp các sản phẩm dứa cho thị trường Đức.
Theo Quang Thuần/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/sau-rieng-xoai-dua-rong-cua-xuat-ngoai-post1495908.html