Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người kinh doanh rục rịch “chào hàng” bánh trung thu ra thị trường, dù còn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu.
Giá tăng, sức mua giảm
Ghi nhận trên thị trường, từ cuối tháng 7 tại các tuyến phố lớn ở Hà Nội như Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), Văn Cao (quận Ba Đình)… nhiều gian hàng bán bánh trung thu như Madame Hương, Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison… đã bắt đầu mở bán.
Nhiều gian hàng bánh trung thu mở bán từ sớm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, năm nay các doanh nghiệp kinh doanh bánh trung thu “chào hàng” khá sớm, đa dạng sản phẩm và giá bán. Song tính đến thời điểm hiện tại, sức mua vẫn chưa nhiều.
“Bắt đầu dựng rạp và bán hàng từ ngày 15/07, ngày nhiều nhất, chúng tôi bán được khoảng 3-4 triệu đồng. So với năm ngoái, năm nay, lượng khách hàng có tăng nhiều hơn, bởi năm ngoái ảnh hưởng dịch bệnh nên sức mua rất thấp. Nhưng để đánh giá là đông khách thì chưa phải” - chị Nguyệt Ánh – nhân viên bán hàng tại gian hàng bánh trung thu Kinh Đô trên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) chia sẻ.
Năm nay, người mua bánh đông hơn mùa trung thu năm ngoái
Theo người bán hàng, nguyên nhân vắng khách bởi vẫn còn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhu cầu mua bánh của người dân hiện tại chưa nhiều. Nhưng nguyên nhân chính là giá bánh tăng.
“Một số mặt hàng bánh trung thu Kinh Đô truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… giá niêm yết khoảng 55.000 đồng đến 62.000 đồng/bánh với trọng lượng là 150g và 180g. Còn những loại bánh mới của năm nay như bánh heo vàng, các nhân bánh mới như phomai, Jambon lạp xưởng, gà quay… đều tăng giá khá cao” - chị Ánh nói thêm.
Không còn cảnh xếp hàng mua bánh tại tiệm bánh Bảo Phương
Tương tự, anh Phạm Đức Linh – nhân viên tiệm bánh trung thu gia truyền Bảo Phương (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, tình hình kinh doanh năm nay so với năm ngoái khởi sắc hơn, nhưng nhìn chung, tốc độ tiêu thụ sản phẩm vẫn chậm. Giá nguyên liệu tăng khiến người mua đắn đo, người bán áp lực vì ế ẩm.
“Năm nay nguyên liệu tăng từ 10% đến 15% nhưng vì cửa hàng chuyên sản xuất bánh cổ truyền, đã có thương hiệu nhiều năm nên chúng tôi cố gắng không tăng giá bánh quá cao, chỉ từ 5.000 đồng/bánh với những bánh có nhân thịt, còn các bánh khác vẫn giữ nguyên giá (30.000 đồng đến 40.000 đồng/bánh). Song nhìn chung sức bán rất chậm, người đến mua lác đác, không có cảnh xếp hàng dài như các năm trước dịch” anh Linh nói.
Nguyên liệu tăng giá khiến giá bánh trung thu cũng tăng theo
Chị Lã Thị Bích Hạnh (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết năm nay mua bánh trung thu thực sự phải cân nhắc bởi mọi năm giá bánh truyền thống nhân đậu xanh, hạt sen khoảng 50.000 đồng/bánh, năm nay là 57.000 đồng/bánh; bánh nhân thập cẩm, jambon khoảng 65.000 đồng/bánh, năm nay là 70.000 đồng đến 73.000 đồng/bánh. Các thương hiệu bánh đều đồng loạt tăng từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/bánh, mua lẻ hay mua theo hộp 4 chiếc hoặc 6 chiếc tính ra đều khá đắt đỏ.
Bánh trung thu handmade được ưa chuộng
Bánh trung thu handmade bắt đầu “nở rộ” từ năm 2020, trở thành trào lưu mỗi dịp Trung thu về. Bánh trung thu handmade thu hút mọi lứa tuổi, sở thích bởi kiểu dáng đẹp mắt, hương vị thơm ngon, mới lạ.
Bánh trung thu handmade được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng
Thời gian gần đây, mặc dù các mặt hàng trên thị trường đồng loạt tăng giá, bánh trung thu handmade cũng không ngoại lệ, dù vậy đây vẫn là những sản phẩm thu hút khách hàng.
Chị Nguyễn Thu Hương (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội), chủ tiệm bánh Trung thu handmade cho hay, dù giá nguyên liệu tăng nhưng sức mua bánh năm nay chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Tuy giá có nhỉnh lên nhưng hiện tại số lượng đơn đặt hàng vẫn rất nhiều.Mở bán từ giữa tháng 7, mỗi ngày tiệm tôi đều hoạt động hết công suất. Để thu hút khách hàng, ngoài việc duy trì chất lượng bánh, tôi phải liên tục cập nhật xu hướng các vị mới như nhân socola phomai, hồng trà, nam việt quất… Đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng như set 4 bánh hiện đại giá gốc là 650.000 đồng/set, đặt online trên web của tiệm chỉ còn 465.000 đồng/set” chị Hương nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thu Quỳnh – chủ tiệm bánh Bếp Mèo Ngố (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận định, thị trường bánh Trung thu handmade năm nay khá sôi động. “Giá nguyên liệu làm bánh tăng nên giá bánh tiệm tôi cũng phải tăng 5.000 đồng/bánh, dẫu vậy lượng khách mua chưa thấy sụt giảm. Hiện tại mới là thời điểm đầu của Tết Trung thu, trung bình một tuần, tiệm sẽ bán được khoảng 500 cái bánh”, chị Quỳnh vui mừng chia sẻ.
Chị Vũ Thảo My (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cả gia đình tôi đều thích bánh trung thu handmade vì nhiều vị nhân mới, mua về nhà thắp hương hay mang đi biếu tặng đều hợp lí. Năm nay các hãng bánh Trung thu nổi tiếng hay bánh Trung thu nhà làm đều tăng giá trong khoảng 5.000 đồng đến xấp xỉ 10.000 đồng/bánh nhưng để lựa chọn thì tôi vẫn chọn mua bánh handmade vì độ đẹp và độc đáo”.
Tuy bánh trung thu handmade đang trở thành lựa chọn của không ít người nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo người tiêu dùng cần phải cẩn thận trong việc lựa chọn cơ sở bán mặt hàng này. Hiện nay trên thị trường xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh quảng cáo sản phẩm bánh trung thu “nhà tự làm” nhưng nguyên liệu làm vỏ bánh, nhân bánh được nhập từ khắp mọi nơi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Người tiêu dùng nên tránh tâm lý chạy theo số đông, ham rẻ, mua hàng trôi nổi để ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và gia đình.
Theo Trà My/Báo Công thương
https://congthuong.vn/thi-truong-banh-trung-thu-mo-ban-som-suc-mua-cham-217215.html