Việc thu thuế từ các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội còn nhiều kẽ hở, dẫn đến "lọt sổ" người nộp thuế, làm thất thu ngân sách
Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỉ USD vào năm 2025. Việt Nam là một trong những nước có thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn cầu. Doanh thu bán lẻ thương mại điện tử năm 2021 ở nước ta đạt hơn 13,7 tỉ USD. Trong đó, bán hàng online qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok bùng nổ.
Truy thu tiền tỉ từ người có thu nhập trên mạng xã hội
Dù vậy, báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận "đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ". Các mặt hàng bán lẻ qua mạng xã hội nếu thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt... cũng là một khoản thất thu.
Thực tế từ nhiều năm qua, việc chống thất thu ngân sách đã được cơ quan thuế phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện bằng cách cập nhật thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại. Các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng nhưng không khai báo với cơ quan thuế sẽ bị cơ quan quản lý giám sát chặt và truy thu thuế.
Cần sớm hoàn thiện quy trình, cơ chế rà soát thông tin để việc thu thuế bán hàng online hiệu quả hơn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại TP HCM, cơ quan thuế các quận, huyện đã có nhiều kế hoạch, chuyên đề tuyên truyền, vận động người kinh doanh qua mạng nộp thuế; rà soát thông tin từ các tổ chức liên quan; kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử… để đôn đốc thu thuế theo quy định.
Kết quả, số thuế thu được từ các cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trong năm 2021 là hơn 122 tỉ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2022 thu trên 140 tỉ đồng. Điển hình, 2 cá nhân bị truy thu thuế trên 8 tỉ đồng/trường hợp (đã nộp) là những người có thu nhập do thực hiện các chương trình quay clip, phim giải trí trên mạng xã hội YouTube, TikTok.
Về việc bán hàng qua các ứng dụng (app) giao hàng của hộ kinh doanh, có trường hợp một hộ có doanh thu khoán và doanh thu kê khai từ sử dụng hóa đơn năm 2021 là 2,2 tỉ đồng. Thế nhưng, qua rà soát, đối chiếu từ các nguồn, cơ quan thuế đã đề nghị hộ kinh doanh này tự kê khai điều chỉnh lại doanh thu quý I/2022 là 3,2 tỉ đồng để làm cơ sở tính thuế.
Thiếu quy trình, cơ chế rà soát thông tin
Một số cán bộ thuế cho biết việc xử lý thuế của cá nhân kinh doanh qua mạng chủ yếu do cơ quan thuế đề nghị xác minh và do các cơ quan bên ngoài cung cấp.
Thậm chí, khi truy tìm được thông tin cá nhân có thu nhập hàng chục tỉ đồng từ YouTube, cán bộ thuế phải gửi thư mời người đó lên làm việc để vận động kê khai nộp thuế. Không ít trường hợp thư mời bị bưu điện trả lại, nguyên nhân là người này đã chuyển đến sống ở địa phương khác. Cơ quan thuế gần như phải chấp nhận thất thu số thuế này!
"Nếu chúng tôi được quyền yêu cầu cơ quan công an truy tìm chỗ ở hiện tại của người nộp thuế thì sẽ thu về cho ngân sách số tiền không nhỏ" - một cán bộ Chi cục Thuế khu vực quận 12 - huyện Hóc Môn (TP HCM) khẳng định.
Khó xác định nguồn thu người nộp thuế
Tại hội thảo "Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam" tổ chức mới đây, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính, cho biết thương mại điện tử đã và đang phát triển nhanh ở Việt Nam. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các website, sàn giao dịch, mạng xã hội trở nên phổ biến. Tuy nhiên, điều đó đặt ra nhiều vấn đề liên quan do những khó khăn trong việc xác định nguồn thu của đối tượng nộp thuế.
Hiện nay, việc kê khai thuế đối với cá nhân kinh doanh được thực hiện theo 3 phương pháp: khoán, kê khai, kê khai theo từng lần phát sinh. Tuy nhiên, khi thực hiện, người nộp thuế và cán bộ thuế thuộc đội liên phường/xã thường muốn đơn giản hóa nên chọn và đồng ý tính thuế phương pháp khoán.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, việc khảo sát thực tế địa điểm kinh doanh, so sánh doanh thu của các cá nhân, hộ kinh doanh qua mạng cùng ngành nghề, cùng địa bàn… để xác định doanh thu khoán không có nhiều ý nghĩa và không chính xác. Việc xác định doanh thu khoán của cán bộ thuế thường ghi theo kê khai, cam kết của người nộp thuế là không kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử hay bán hàng qua ứng dụng giao hàng… Từ đó, việc ấn định doanh thu và tính thuế không chính xác, dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách.
Phụ thuộc năng lực, tư duy của cán bộ thuế Theo Cục Thuế TP HCM, khi bị cơ quan thuế phát hiện và mời đến xử lý, những cá nhân, hộ kinh doanh đều chủ động đăng ký kê khai thuế, kê khai bổ sung và nộp thuế truy thu, phạt tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước, không nợ thuế kéo dài. Dù vậy, hiện ngành thuế chưa có quy trình, phương pháp để kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh qua mạng. Cơ quan thuế địa phương chưa có tổ chuyên trách thu thập thông tin dữ liệu phát sinh trên các trang mạng xã hội để đối chiếu với dữ liệu do người nộp thuế cung cấp. Việc rà soát, kiểm tra thực tế hoạt động bán hàng qua mạng để xác định doanh thu cũng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, tư duy của cán bộ thuế. Không ít cán bộ thuế căn cứ các yếu tố như địa điểm kinh doanh không thuận lợi, không thấy có hàng hóa… rồi xác định doanh thu không quá 100 triệu đồng/năm và không thu thuế theo quy định, cũng khiến ngân sách bị thất thu. |
https://nld.com.vn/kinh-te/som-bit-lo-hong-thu-thue-ban-hang-online-20220814201259986.htm