Kinh tế thế giới suy thoái kéo theo nhiều loại nông sản của VN rớt giá. Không những vậy, người nông dân còn bị ép giá khi sản phẩm làm ra phải qua tay thương lái.
Nông dân sống như thế nào?
Nguyễn Văn Hiếu, chủ một vườn mít tại Tiền Giang, than thở: “Người trồng mít năm nay thê thảm quá. Giá mít thấp ngay từ đầu năm trong khi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng cao. Nông dân năm nay phải nói là thua lỗ chứ không thể lấy công làm lời”.
Thanh long của nông dân đang bị thu mua với giá rất thấp
Ghi nhận trên thị trường, giá mít xuất khẩu loại 1 ngày 21.7 chỉ vào khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, giá mít chợ khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg, mít xô chỉ khoảng 2.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Hồng Văn, người trồng mít tại Vĩnh Long, nhận xét: “Mấy tháng đầu năm nhiều người nói rằng giá mít thấp là do cửa khẩu ách tắc, nhưng đến nay cửa khẩu thông thoáng rồi, mít cũng gần hết mùa, vậy mà giá bán tăng lên không bao nhiêu. Với giá hiện nay thì người trồng mít đều đã chán nản, không muốn đầu tư tiếp. Đến cuối năm mà giá vẫn như vậy thì e rằng sẽ rất nhiều người chặt bỏ”.
Nông dân khổ vì giá thu mua nông sản thấp
Một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu là lúa gạo cũng trong tình cảnh tương tự. Nhiều thông tin cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng nhưng thực tế giá lúa tại ruộng vẫn thấp không tăng bao nhiêu.
Ngày 21.7, tại An Giang, một số loại lúa tiếp tục giảm giá: lúa tươi OM 5451 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 5.800 - 5.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 6.000 - 6.150 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Lúa tươi Đài thơm 8 ở mức 5.900 - 6.100 đồng/kg... Với mặt hàng lúa nếp: nếp tươi An Giang 5.900 - 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.100 - 6.300 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg. Giá lúa các loại đồng loạt giảm 200 - 400 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7 do ảnh hưởng của mưa bão nhiều ngày và nhu cầu ảm đạm từ các giao dịch gạo.
Bà Nguyễn Thị Tư, chủ một ruộng trồng lúa tại H.Kế Sách (Sóc Trăng), buồn rầu nói: “Năm nay phân bón, thuốc…đều tăng cao gấp mấy lần, nhưng giá bán lúa gần như vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi cứ nghe tin dự báo giá lúa sẽ tăng, nhưng từ đầu năm đến nay không thấy tăng mà còn giảm. Chi phí đầu tư trong vụ hè thu cao hơn các vụ khác, giá bán thấp như vậy nông dân sống như thế nào?”.
Theo một số chủ ruộng, thời tiết mưa bão nhiều ngày khiến chất lượng lúa vụ hè thu giảm liên tục.
Thương lái đủ “chiêu trò”
Dù thị trường phía bắc đã khai thông trở lại nhưng giá nông sản xuất khẩu gần như vẫn đứng yên, thậm chí còn sụt giảm, trong đó có bàn tay can thiệp của bộ phận thương lái.
Chị Trần Kiều Lan, chủ một vựa thanh long tại Phan Thiết (Bình Thuận), kể: “Giá thanh long gần đây đã nhích lên, các vựa đều thu mua với giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng người trồng chỉ bán được nửa giá đó. Thương lái họ đăng thông tin cần mua, giá cao, mua dễ, nhưng thực tế khi liên hệ thì lái nào cũng yêu sách này nọ. Thanh long của tôi đẹp không chỗ nào chê, nhưng họ cũng tìm lý do số lượng ít, địa điểm xa… nên chỉ mua với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg. Vậy mà còn nói là “dễ chịu” lắm rồi. Người trồng thanh long thua lỗ từ cuối năm trước, nhiều người gần như trắng tay, vậy mà khi giá nhích lên cũng không được hưởng lợi vì bị khâu trung gian ép giá”.
Đối với mặt hàng hồ tiêu, đầu năm nay, giá tiêu trong nước còn ổn định quanh mốc 79.500 - 82.000 đồng/kg. Sau nửa năm đã mất đến 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, nhân công chăm bón liên tục tăng khiến nông dân không mặn mà đầu tư cho vụ tiêu năm nay. Một số chủ vườn tiêu tại Đắk Lắk, cho biết: Cả tháng nay tiêu rớt giá, tôi nghe một số thông tin không thuận lợi, dự báo giá tiêu sẽ giảm nữa, nên đã bán với giá 66.000 đồng/kg. Với mức này thì gần như lỗ vốn, lỗ công, nhưng gia đình đang kẹt tiền nên đành chịu.
Đáng lo hơn, theo nhiều chủ vườn, thị trường hồ tiêu hiện nay rất nhiễu loạn thông tin, chủ yếu là tin xấu do các thương lái đưa ra để người trồng tiêu bán sớm với giá rẻ. Thực tế, cửa khẩu phía bắc hiện nay khá thông thoáng, nhu cầu mua tiêu từ thị trường Trung Quốc đã bắt đầu tăng trở lại. Chưa kể nguồn cung đang khan hiếm so với nhu cầu tiêu thụ hằng năm. Thế nhưng, giá thu mua tại vườn vẫn thấp, người trồng vẫn lỗ vì bị ép giá đủ đường.
Người nuôi tôm hùm khu vực miền Trung cũng đang khốn khổ vì tôm nuôi không có người mua. Giá tôm hùm hiện nay rất thấp, tôm hùm bông chỉ đạt giá khoảng 800.000 - 900.000 đồng/kg, tôm hùm xanh có giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng/kg, giảm từ 300.000 - 600.000 đồng/kg so với giá xuất bán của năm ngoái.
“Thương lái gần đây không mua nữa, hoặc mua với giá rất thấp. Họ đều nói rằng cửa khẩu đóng cửa, không xuất khẩu tiểu ngạch được, vì thế muốn bán được thì phải chịu giá bán rất thấp”, ông Trần Văn Vương, chủ một hộ nuôi tôm hùm tại xã Xuân Thịnh (TX.Sông Cầu, Phú Yên), bức xúc. Theo ông Vương, với mức giá này, người nuôi tôm thu hồi vốn là đã mừng rồi chứ không mong có lãi.
Theo khảo sát, vùng nuôi tôm hùm đang trong mùa thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua, người dân không thể xuất bán được khiến tôm hùm rớt giá. Trong khi đó, phải duy trì cho tôm ăn hằng ngày nên chi phí ngày càng đội lên cao. Hầu hết hộ nuôi tôm hùm tại địa bàn TX.Sông Cầu năm nay đều lỗ.
Mất tích, bỏ cọc, tung tin đồn thất thiệt
Mất tích, hay thậm chí là bỏ cọc, tung tin đồn thất thiệt... là các “chiêu trò” của thương lái hiện nay để gây khó khăn cho nông dân. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết giá gạo vụ đông xuân vẫn còn trụ được giá cao nhưng gạo hè thu đã giảm từ 15 - 20 USD/tấn. Cụ thể, gạo Jasmine đông xuân có giá từ 560 - 570 USD/tấn, trong khi gạo Jasmine hè thu chỉ có giá 520 USD/tấn; gạo trắng loại 5% tấm đông xuân có giá 430 USD/tấn, còn gạo hè thu chỉ chào giá 410 USD/tấn.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing - Công ty TNHH VRICE, cho biết 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang EU vẫn ổn định, nhưng từ tháng 7 trở đi có thể sẽ giảm dần. Lý do một phần vì EU đã lên tiếng cảnh báo đối với gạo nhập khẩu từ VN, thứ hai là vì euro đang mất giá so với USD nên giá gạo bán vào EU đang rất cao. Hiện nay, gạo Jasmine xuất khẩu vào EU có giá 600 USD/tấn, đã giảm 50 USD/tấn so với trước đây. Chính vì vậy, tình trạng thương lái đã cọc tiền mua lúa nhưng lại bỏ cọc đang xảy ra phổ biến. Thiệt hại của người nông dân chính là tâm lý bất an và không biết nên tiêu thụ ở đâu, nên bán lúc nào, bán giá nào…
Ông Nguyễn Văn Hai, nông dân trồng lúa ngụ tại TT.Châu Thành (Sóc Trăng), nhận xét: “Giá nông sản gần đây đã có dấu hiệu nhích lên do Trung Quốc tăng mua. Tuy nhiên, các thương lái khi đến mua tại vườn đều ép giá để được lợi. Người nông dân trong thời gian qua chịu cảnh giá thấp không còn cách nào khác phải bán. Nếu ngần ngừ không bán thì họ sẽ tiếp tục loan truyền những tin tức tiêu cực, ví dụ như giá vẫn còn tiếp tục rớt, thị trường phía bắc đóng cửa…thế là đành phải chấp nhận”
Thực tế, các mặt hàng phụ thuộc thương lái đều rơi vào tình trạng tương tự. Bà N.A.T, một người thu mua tôm hùm xuất khẩu, khẳng định: “Tình hình xuất khẩu tôm hùm hiện nay rất bình thường, nhu cầu vẫn cao. Tuy nhiên, yêu cầu về điều kiện xuất khẩu rất khó khăn, kể cả tiểu ngạch hay chính ngạch, chính vì vậy buôn bán theo hình thức mậu biên hiện nay không còn thuận lợi như trước. Các thương lái lợi dụng tình hình này để ép giá người nuôi tôm, khiến cho họ không muốn bán cũng không được”.
Thực chất, khi Trung Quốc bắt đầu tăng cường nhập khẩu. Đó là lý do mà giá nhiều loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi của VN đã bắt đầu nhích lên: Giá heo hơi VN đã tăng lên hơn 10.000 đồng/kg trong vòng nửa tháng qua, giá mít ngày 22.7 cũng bắt đầu tăng 2.000 đồng/kg, giá hồ tiêu cũng tăng 1.000 đồng/kg và hồi phục qua mốc 70.000 đồng/kg…
Quả cau, một mặt hàng được xem là “vô dụng” tại VN, cũng đang được thương lái thu gom tại các tỉnh ĐBSCL, săn tìm đến tận Bình Dương, Tây Ninh… để bán sang Trung Quốc. Giá thu mua lên đến 24.000 - 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái vẫn đang lợi dụng sự thiếu thông tin, cần tiền trang trải… để ép giá.
Cửa khẩu Lạng Sơn đã thông thoáng
Theo báo cáo ngày 21.7 của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tổng số phương tiện có hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh mỗi ngày khoảng 170 xe, trong đó đa số là xe chở hoa quả. Tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 390 xe, trong đó có 307 xe hoa quả, 83 xe hàng khác. Các mặt hàng hoa quả như mít, chuối, thanh long, vải … vẫn xuất khẩu bình thường.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nong-san-bi-ep-gia-post1481002.html