Do nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người dân ngày càng tăng, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất trong nhà màng và chăn nuôi với công nghệ hiện đại. Đây là tín hiệu tích cực để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) phát triển bền vững.
Cung không đủ cầu
Đại diện Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng chia sẻ: “Khách hàng khắp nơi liên tục gọi đến đặt mua rau, quả nhưng sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch đành phải khất. Tiếc lắm, nhưng năng lực của HTX có hạn”. HTX đang sản xuất 4 nhóm sản phẩm, gồm: Rau ăn lá; rau ăn quả; nhóm củ; nhóm trái cây.
Đóng gói sản phẩm khoai lang tại Công ty TNHH Thái ECO.
HTX đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho hơn 200 khách hàng, như: Hệ thống Siêu thị Vinmart, Siêu thị GO! Bắc Giang, Công ty TNHH Bán lẻ BRG retail, T-mart, Coopmart… với sản lượng từ 200 - 250 tấn sản phẩm/tháng (tương ứng khoảng 4 tỷ đồng).
Ngoài tự sản xuất, HTX còn liên kết với 20 hộ và 2 HTX trong tỉnh để sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. HTX hiện có 82 công nhân. Sản xuất hiệu quả nên HTX đã mở rộng lên 15 ha nhà màng, diện tích tăng gấp 30 lần so với năm 2017. HTX đang đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng trong khu sản xuất CNC thêm điểm du lịch trải nghiệm khoa học phục vụ trẻ em.
Qua khảo sát, không chỉ HTX Rau sạch Yên Dũng mà nhiều HTX, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh cũng đang hoạt động khá hiệu quả. Anh Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thái ECO, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) chia sẻ, mỗi tháng DN cung ứng từ 30-60 tấn rau, củ các loại vào chuỗi Siêu thị GO! và chuỗi cửa hàng của Tập đoàn DABACO tại Hà Nội và Bắc Ninh.
DN có 5 ha nhà màng tại thôn 7, xã Cảnh Thụy nhưng vẫn liên kết sản xuất khoai lang, rau ăn quả với nhiều đơn vị tại Bắc Giang và tỉnh Đắc Lắc mà cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu khách hàng đặt mua.
Cùng với trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh cũng đang hút khách. Tìm hiểu tại Công ty TNHH Kim Tân Minh (Hiệp Hòa) được biết, năm 2020, DN được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi gà lai hướng trứng HA (giống gà trắng Ai Cập) theo chuỗi giá trị phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang”, tổng vốn hơn 20 tỷ đồng.
Với 4 quy trình công nghệ chăn nuôi tự động, khép kín, gồm: Quy trình kỹ thuật chăm sóc gà lông màu hướng trứng HA bố mẹ và thương phẩm; quy trình kỹ thuật thú y phòng bệnh cho gà; quy trình thụ tinh nhân tạo cho gà bố mẹ; quy trình ấp nở gà bố mẹ.
Quy mô tổng đàn hơn 40 nghìn con. Bà Ngô Thị Kim, Giám đốc Công ty cho biết: “Sản phẩm trứng và gà của DN luôn có chất lượng cao nên được nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng tự chọn hợp đồng bao tiêu. Dự kiến năm 2022 doanh thu của Công ty đạt khoảng 11 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng”.
Mở rộng các mô hình hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn từ năm 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hơn 760 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, còn lại là thủy sản, lâm nghiệp. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích ứng dụng CNC trong mô hình nhà màng đạt từ 700 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều nông sản trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tuy vậy, còn nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Ví như các mô hình nhà lưới tại xã Việt Tiến và Quảng Minh (Việt Yên) đến nay đa phần diện tích vẫn bỏ hoang hoá.
Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hơn 760 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, còn lại là các mô hình thủy sản, lâm nghiệp. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. |
Điều đáng nói là nhiều mô hình nhà màng, nhà lưới ứng dụng CNC được tỉnh và các huyện hỗ trợ đầu tư hàng chục tỷ đồng, hoạt động kém hiệu quả nhưng từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp, chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa rà soát và đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
Ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hằng năm đơn vị chỉ cử cán bộ kiểm tra việc sử dụng giống cây trồng trong các nhà màng, nhà lưới, bảo đảm đúng mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp CNC.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá kết quả các mô hình và tham mưu các giải pháp khắc phục những mô hình kém hiệu quả.
Được biết, ngoài các mô hình trồng trọt, tỉnh vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi CNC. Hiện tại, các hộ dân, DN vẫn tự bỏ vốn hoặc nhờ nguồn vốn T.Ư hỗ trợ để xây dựng các mô hình chăn nuôi CNC. Thực tế, nhu cầu sử dụng nông sản sạch ứng dụng CNC trong sản xuất của người dân ngày càng tăng do các sản phẩm này luôn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc.
Do đó, ngành nông nghiệp cần quan tâm duy trì và nhân rộng các mô hình CNC đang phát huy hiệu quả. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ xây dựng và mở rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng CNC. Qua đó bảo đảm cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo Hà Mi/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/387714/tiep-suc-cho-cac-mo-hinh-nong-nghiep-cong-nghe-cao.html