Chênh lệch giá vàng SJC với thế giới ngày càng lớn, vượt 19,5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân đến từ việc giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng giá vàng SJC lại giảm từ từ.
Chiều qua (13/7), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 67,65 - 68,27 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 600.000 - 620.000 đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế sáng nay (14/7), giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.725 USD/ounce (tương đương 48,68 triệu đồng/lượng), giảm 8 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 19,59 triệu đồng/lượng.
Hôm 1/7, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là 18,14 triệu đồng/lượng. Sau đó 2 tuần, khoảng cách này có chiều hướng gia tăng khi tiệm cận 20 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng SJC với thế giới ngày càng lớn (Ảnh: Việt Đức).
Giải thích về hiện tượng trên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, thị trường vàng Việt Nam đang không liên thông với thế giới. Vì 10 năm nay nước ta không nhập khẩu vàng, đồng nghĩa với việc nguồn cung khan hiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép nhập vàng nguyên liệu nên mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường khiến người dân trong nước phải mua vàng với giá rất cao.
Điều này dẫn đến nhiều rủi ro như tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vì số tiền bỏ ra quá lớn. Ngoài ra, nếu Nhà nước có chính sách mới về quản lý vàng kéo biên độ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới hẹp lại hay nếu giá thế giới giảm, lực bán tháo xuất hiện, người mua vàng ở giá cao sẽ gánh chịu rủi ro lỗ lớn.
Trong khi đó, với các loại vàng nhẫn, dù người dân cũng có nhu cầu nhưng do nguồn cung dồi dào hơn nên giá trong nước không tăng quá cao so với giá thế giới. Vì vậy, giá vàng nhẫn trong nước bám khá sát với giá thế giới.
Khoảng cách quá xa giữa giá vàng trong nước và thế giới từng làm nóng nghị trường Quốc hội.
Tại phiên chất vấn ngày 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lý giải, mức chênh lệch trên xuất phát từ chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế. Năm 2012 là thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ năm 2014 đến nay, NHNN không nhập vàng về sản xuất vàng miếng.
Do đó, nguồn cung vàng miếng trong nước giảm đi, vì một phần số vàng được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Cùng với sự biến động của giá vàng thế giới, bản thân các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng miếng khi niêm yết giá cũng lo ngại rủi ro nên đã niêm yết giá cao. Hơn nữa, SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng hơn cả nên DN niêm yết giá cao.
Theo quan sát của NHNN, giá vàng mua và bán các tổ chức thường chênh 1 - 1,5 triệu đồng/lượng. Vàng SJC mua cao thì bán cao, trong khi vàng của thương hiệu khác mua thấp bán thấp. Với vai trò quản lý Nhà nước về vàng, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp nếu cần thiết.
Dựa trên số liệu tổng hợp của các tổ chức kinh doanh vàng thì NHNN thấy người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều mà bán ròng, nhất là khi giá vàng cao, người dân mang vàng đi bán để lấy Việt Nam đồng.
"Do đó, NHNN chưa tổ chức nhập khẩu thêm để can thiệp giá vàng nhưng chúng tôi đã xây dựng phương án khi cần thiết để thực hiện. Vì khi nhập khẩu vàng, NHNN sẽ dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp", Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng lý giải trong phiên chất vấn ngày 8/6.
Theo An Chi/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-sjc-van-mot-minh-mot-cho-20220713072322746.htm