Cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m... là một trong những quy định về hạ tầng thương mại.
Hệ thống hạ tầng thương mại, các siêu thị sẽ phải đáp ứng các tiêu chí do Bộ Công thương quy định - Ảnh: N.AN
Bộ Công thương vừa đưa ra dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại để lấy ý kiến, bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Theo đó, với hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, dự thảo yêu cầu phải có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, có cách thức và trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản.
Giới hạn khách mua hàng tại cửa hàng tiện lợi?
Hai loại hình này đều được phân loại thành 3 hạng, trong đó siêu thị gồm có siêu thị kinh doanh tổng hợp, siêu thị chuyên doanh và siêu thị mini. Những đơn vị này đều phải đáp ứng yêu cầu như có diện tích, số lượng mặt hàng phù hợp với từng phân hạng; đáp ứng các yêu cầu chung về phòng cháy chữa cháy, có nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp với quy mô, có nơi bảo quản hành lý cá nhân…
Đối với các tiêu chí của cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet và trung tâm outlet, các quy định có phần riêng biệt. Đơn cử, với cửa hàng tiện lợi, dự thảo thông tư yêu cầu phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người.
Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh; số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng, được hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày.
Đáng chú ý, dự thảo quy định những cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối với những đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m. Hệ thống này sẽ hoạt động theo chuỗi, áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán hàng và thanh toán.
Đối với các cửa hàng outlet, phải được đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại, gần nhà máy hoặc kho của các nhà sản xuất, các cảng hàng không, khu kinh tế, khu phi thuế quan; hoặc nằm trong trung tâm outlet, phù hợp với quy hoạch.
Đây sẽ là nơi kinh doanh hàng hóa có nhãn hiệu, chủ yếu là hàng hóa tồn kho, hàng lỗi mốt, hàng hóa có nhược điểm, hàng được sản xuất chỉ nhằm mục đích để bán tại outlet.
Còn các trung tâm outlet thì có thể đặt tại khu vực ngoại thành, ngoại thị, gần các địa điểm du lịch nổi tiếng, gần trung tâm các thành phố lớn, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch. Nơi đây có thể gồm tập hợp nhiều cửa hàng outlet, tích hợp thêm khu ẩm thực và các dịch vụ tiện ích để phục vụ khách hàng đến mua sắm.
Cũng giống như siêu thị, trung tâm thương mại, theo dự thảo quy định, các outlet và trung tâm outlet đều phải có "chỗ để xe cho khách hàng với quy mô phù hợp".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia luật cho rằng một số nội dung trong dự thảo còn khá chung chung và không phù hợp, thiếu khả thi.
Đơn cử như quy định với cửa hàng tiện lợi là "chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân". Điều này đặt ra câu hỏi liệu nhân viên cửa hàng có được lấy giúp hoặc lựa đồ cho khách hay không?
Hoặc với quy định những đối tượng phục vụ tại cửa hàng tiện lợi chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m, sẽ đặt ra vấn đề giới hạn đối tượng khách hàng trong phạm vi rất hẹp.
“Trường hợp cửa hàng tiện lợi bán hàng cho khách từ nơi xa hơn 500m đến mua thì có bị phạt không? Quy định này liệu có giới hạn quyền tiếp cận mua hàng của khách hàng?" - vị này đặt câu hỏi.
Ngoài ra, các quy định như "chỗ để xe phải phù hợp với quy mô" hay phương thức thanh toán "nhanh chóng, hiện đại", đều khá chung chung, không rõ ràng về việc “thế nào là phù hợp”.
Quy định ghi biển hiệu, tên khó hiểu?
Theo dự thảo, các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định sẽ không được đặt tên là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet, hoặc ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài (như supermarket, hypermarket, big mart, big store, shopping center, trade center, plaza...).
Đối với tên biển hiệu, dự thảo quy định phải ghi bằng tiếng Việt Nam là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet trước tên thương mại hoặc tên riêng.
Ngoài tên bằng tiếng Việt, những loại hạ tầng thương mại này có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt (bằng chữ Latin), còn tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Phần tên riêng trong tên của hạ tầng thương mại không được sử dụng cụm từ "công ty", "doanh nghiệp".
Vị chuyên gia trên cũng cho rằng, quy định này khá khó hiểu và chung chung, bởi có thể sẽ khiến các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh lĩnh vực này phải thay đổi hàng loạt tên, biển hiệu. Thậm chí việc quy định tên bằng tiếng nước ngoài phải được dịch từ tên tiếng Việt có thể khiến cho một số siêu thị, trung tâm thương mại sẽ phải thay đổi tên.
Theo Ngọc An/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cua-hang-tien-loi-se-chu-yeu-phuc-vu-khach-trong-pham-vi-500-met-20220711195559916.htm