Để đưa nông sản vào siêu thị, nhà cung cấp phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về giá cả, chất lượng, phương thức giao hàng và phải chấp nhận thanh toán chậm 3-6 tháng
Ngày 30-6, tại TP HCM, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã tổ chức chương trình Kết nối giao thương đưa sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông và tỉnh Hậu Giang vào tiêu thụ tại các siêu thị TP HCM.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đã ban hành danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Theo đó, có 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh là cà phê, điều, cao su, hồ tiêu và 19 sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương như lúa, bắp, cây ăn quả... Ngoài ra, gần đây có thêm nhiều sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao như nấm đông trùng hạ thảo, trà mãng cầu, sô-cô-la, dầu shachi.
"Tỉnh Đắk Nông có 169 tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333 ha. Trong đó, hơn 2.000 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hơn 460 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ, hơn 22.790 ha áp dụng các tiêu chuẩn khác. Tỉnh có 52 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao, 46 sản phẩm 3 sao" - ông Tòng giới thiệu.
Nhà cung cấp và nhà phân phối gặp nhau tại chương trình Kết nối giao thương đưa sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông và tỉnh Hậu Giang vào tiêu thụ tại siêu thị TP HCM
Tuy nhiên, ông Tòng cũng cho hay sản phẩm của địa phương này chủ yếu là sản phẩm thô. Mức độ đa dạng hóa và phát triển sản phẩm chế biến sâu chưa cao, chưa có nhiều đột phá về chất lượng.
Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, cho biết địa phương đã có đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm để hỗ trợ ngành nông nghiệp. Hiện có 16 sản phẩm được dán tem truy xuất, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Song, nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại chợ đầu mối; phần đưa vào siêu thị còn hạn chế, chủ yếu là bán thử nghiệm số lượng rất ít. Ngoài ra, nông sản các địa phương khi đưa vào siêu thị còn gặp trở ngại về việc thanh toán, nguồn cung...
Ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh kênh phân phối hiện đại là thế mạnh của hệ thống phân phối nói chung. Khi tiếp cận kênh hiện đại này, nhà cung cấp sẽ quảng bá được sản phẩm tới nhiều đối tượng khách hàng. Do đó, các siêu thị phải lựa chọn hàng hóa tốt nhất, có doanh số bán hàng cao nhất để đưa lên kệ.
"Các siêu thị đòi hỏi sản phẩm đưa vào hệ thống của mình phải có thương hiệu. Nhà cung cấp mới muốn đưa hàng vào sẽ gặp nhiều khó khăn, phải đối mặt tiêu chuẩn khắt khe về giá cả, chất lượng, phương thức giao hàng và phải chấp nhận thanh toán chậm 3-6 tháng. Ngoài ra, khi siêu thị nhận hàng của thương hiệu, nhà cung cấp mới vào thì phải loại bỏ một mặt hàng cũ nên nhà cung cấp phải tính toán, cân nhắc kỹ và có giải pháp thì mới kết nối hiệu quả được" - ông Phương lưu ý.
Cơ hội đưa hàng vào MM Mega Market Theo đại diện hệ thống MM Mega Market, đơn vị này đã làm việc với tỉnh Đắk Nông để thu mua cà chua, bơ, ớt và sau này sẽ mua thêm một số trái cây khác. MM Mega Market có kế hoạch mở trạm trung chuyển tại Đắk Nông để phục vụ tốt hơn việc thu mua nông sản địa phương. Ngoài ra, MM Mega Market còn tập trung kết nối với 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên thông qua chương trình khuyến mãi sản phẩm "Mùa nào thức nấy" và mở rộng kênh mua hàng. Với tỉnh Hậu Giang, MM Mega Market mua một số loại hải sản như cá thác lác, cá tra... Trên phạm vi cả nước, hệ thống siêu thị này xây dựng nhiều trạm trung chuyển để tăng cường thu mua sản phẩm của nông dân. |
Theo Nguyễn Hải/Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/kho-dua-nong-san-vao-sieu-thi-20220630210904494.htm