Trong khi xuất khẩu rau quả nói chung những tháng đầu năm 2022 giảm sâu thì thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”, diễn ra sáng 8/6, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 1,4 USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Trung Quốc đạt chỉ 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác vẫn tăng, đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ tăng 52%.
Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc khiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2022 giảm sâu.
Trung Quốc tăng nhập khẩu chuối từ thị trường Việt Nam
Đáng chú ý, theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong thời gian qua, trong bối cảnh các mặt hàng rau quả nói chung sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, thì riêng mặt hàng trái chuối đã biểu hiện bước phát triển vượt bậc. Trong 5 tháng 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.
Lý giải về nguyên nhân Trung Quốc gia tăng nhập khẩu trái chuối từ thị trường Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác, đây là một yếu tố vô cùng thuận lợi. Trong khi đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng, dẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch bệnh Panama đã khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.
Khẳng định Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với nông sản nói chung và trái cây nói riêng. Trong bối cảnh không còn "Zero Covid" Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực. Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các mặt hàng nông sản Việt Nam cần cải thiện chất lượng.
“Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” trong thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau, khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới có thể tăng lên. Còn hiện nay, chính sách này vẫn sẽ gây khó khăn cho rau quả của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Đối với các sản phẩm rau quả, ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - nhận định, đối với trái sầu riêng, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp cũng nên học hỏi những cách làm hay như của Thái Lan… trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm này.
Theo đó, cần xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng, tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, giúp hợp tác xã, người sản xuất phải thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng.
Cũng theo bà Ngô Tường Vy, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân, thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ khó khăn cho công tác tiêu thụ. Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nhận định, hiện nay thị trường xuất khẩu đang xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, trong đó có ngành hàng trái cây. Do đó, các doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm, thay đổi cho phù hợp như: Thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật; xu hướng trở về với cội nguồn; đề cao trách nhiệm chung của ngành hàng trái cây; thay đổi mức tiêu dùng sau đại dịch; tiếng nói của người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Quốc Toản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần rà soát kỹ thời vụ, sản lượng của từng nhóm sản phẩm trái cây cụ thể, điểm rơi thu hoạch để xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp. Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cần tăng cường thông tin, trao đổi giữa các doanh nghiệp trong hiệp hội và đối tác nước ngoài để kịp thời nắm bắt những khó khăn, cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cần lưu ý các doanh nghiệp để có cách phối hợp phù hợp hơn. Đồng thời nên sớm trao đổi với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, bàn những giải pháp cụ thể về đường đi, giá cả, chia sẻ chi phí vận chuyển… để sẵn sàng trong mọi tình huống.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu chủng loại quả giảm mạnh là do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 71% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại quả trong 4 tháng đầu năm 2022. Mặc dù phía Trung Quốc đã cho thông quan trở lại tại một số cửa khẩu, tuy nhiên hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu rất chậm, chưa thực sự cải thiện nhiều. Cùng với đó, phía Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình thông quan nhằm phòng chống dịch bệnh, vì vậy hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này còn hạn chế. |
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công thương
https://congthuong.vn/thi-truong-trung-quoc-tang-nhap-khau-trai-chuoi-tu-viet-nam-179862.html