Ngày 20/5, tại vùng vải sớm xã Phúc Hòa, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải thiều sớm.
Các đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Đức Cảnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Yên và một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương liên quan, doanh nghiệp, doanh nhân dự.
Đồng chí Phan Thế Tuấn và các đại biểu thăm vùng vải thiều sớm xã Phúc Hòa.
Năm 2022, tổng diện tích sản xuất vải thiều của huyện là 1.340 ha, sản lượng ước đạt 16.500 tấn; trong đó vải sớm là 1.170 ha, sản lượng đạt 14.500 tấn, vải muộn là 2.000 tấn. Diện tích vải sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hơn 880 ha, trong đó diện tích vải đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP là 350 ha. Dự kiến thời gian bắt đầu thu hoạch trà vải sớm từ ngày 25/5, thời gian thu hoạch tập trung từ ngày 1 đến 10/6/2022.
Thời gian qua, huyện Tân Yên đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng đối với các thị trường xuất khẩu như: Nhật, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc...; chuẩn hóa mẫu mã, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Năm nay, công tác xúc tiến thương mại được UBND huyện chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan nắm tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ vải trong và ngoài nước trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.
UBND huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, liên kết ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Quản lý chặt chẽ các vấn đề về nhãn mác, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Huy động các ngành, đoàn thể hướng dẫn người dân bán hàng qua mạng. Tăng cường tiêu thụ vải trong nước thông qua các chợ đầu mối tại các tỉnh, TP.
Hiện đã có một số doanh nghiệp tới địa bàn tiêu thụ vải xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đơn cử như Công ty Việt Pháp ký hợp đồng tiêu thụ 40 tấn, Công ty Fusa ký hợp đồng xuất khẩu 10 tấn sang thị trường châu Âu. Các công ty như: Toàn Cầu, Amei… có kế hoạch thu mua, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Campuchia, Nga và một số siêu thị trong nước. Đặc biệt vài ngày tới, Công ty Vinaintech sẽ tổ chức hội nghị nếm thử vải thiều để đối chứng, so sánh giữa vải thiều sớm Tân Yên với sản phẩm của một số địa phương khác.
Đồng chí Phan Thế Tuấnvà các đại biểu chứng kiến lễ ký kết về việc tiêu thụ vải thiều sớm.
Phát biểu tại đây, đồng chí Phan Thế Tuấn thông tin: Trong những ngày vừa qua, trong chuỗi các sự kiện xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022".
Tại đây đã có nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết, mở ra cơ hội mới để vải thiều cũng như nông sản của tỉnh vượt qua rào cản đến với thị trường Hoa Kỳ; tạo tiền đề đưa các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh đến thị trường khó tính này. Thời gian tới, trái vải Bắc Giang, thương hiệu vải thiều Bắc Giang (trong đó có vải thiều sớm Tân Yên) hứa hẹn sẽ có mặt sâu rộng tại thị trường Hoa Kỳ.
Cùng đó, UBND tỉnh đã làm việc với Tham tán Công sứ phụ trách Kinh tế-Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; đồng thời làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan chức năng cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đề nghị tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động thông quan, xuất khẩu vải thiều năm 2022 sang thị trường Trung Quốc.
Nông dân xã Phúc Hòa chăm sóc vải thiều sớm.
Để giữ vững thương hiệu “Vùng vải sạch, an toàn dịch bệnh, không bị tác động Covid-19", đồng chí đề nghị UBND huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm chất lượng tốt nhất và an toàn. Ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng bảo đảm các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm.
Chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội...
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, xã, thị trấn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ; quan tâm các dịch vụ hậu cần (vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, kho, bãi tập kết phương tiện vận tải...).
Các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh vải thiều tích cực khảo sát, kết nối, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên. Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều để được tháo gỡ, giải quyết.
Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí ở T.Ư, địa phương tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu “Vải thiều sớm Tân Yên” đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất cho người trồng vải trên địa bàn huyện Tân Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.
Theo Thu Phong/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/383999/tang-cuong-xuc-tien-tieu-thu-vai-thieu-som-tan-yen.html