Ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp, yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng và thương hiệu bưởi Tân Triều
Làng bưởi Tân Triều nằm ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là vùng đất cù lao xanh mát trên sông Đồng Nai, đoạn từ huyện Vĩnh Cửu chảy vào TP Biên Hòa.
Trăn trở tìm cách làm giàu
Người dân cù lao Tân Triều vốn có truyền thống trồng cây trầu, cây lúa. Thế nhưng, từ năm 1950, sau một cơn lũ lớn, cả làng quyết định chuyển sang nhân giống bưởi trồng hàng loạt. Giống bưởi này được cho là có xuất xứ từ Nam Mỹ nhưng chịu sống ở Tân Triều. Từ đó đến nay, cây bưởi đã giúp dân làng khấm khá.
Đường vào vườn bưởi rộng hơn 2 ha của gia đình ông Ngô Văn Sơn cũng chính là con đường xuyên qua làng bưởi Tân Triều nằm ở góc cù lao bên sông Đồng Nai. Quang cảnh ở đây thật đẹp, hai bên đường, những vườn bưởi bao la xanh um một màu, tỏa hương man mác. Lề đường được tô điểm thêm sắc màu của nhiều loại hoa. Đường vào khu vườn bưởi của ông Sơn được trải bê-tông, phục vụ thu hoạch mùa màng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp, yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng và thương hiệu bưởi Tân Triều. Nhiều hộ dân ở đây quyết tâm làm giàu bằng chính loại trái cây đặc sản này. Ông Sơn là một trong những nông dân tiêu biểu của làng Tân Triều làm giàu nhờ trồng bưởi.
Ông Sơn cho biết đến nay đã hơn 20 năm ông quyết định nối nghiệp gia đình, trở thành nông dân trồng bưởi ở vùng đất Tân Triều. Lớn lên trong màu xanh của vườn bưởi, trong ngạt ngào hương hoa bưởi nhưng lúc trẻ, ông Sơn chưa xác định cụ thể sẽ theo nghiệp của cha ông.
Theo ông Sơn, trước đây, bưởi Tân Triều dù ngon vượt trội so với bưởi ở những vùng khác nhưng vì nhiều lý do, người trồng vườn nơi đây vẫn chưa giàu lên được nên ông "chưa thấy ham". Thế rồi, đến tuổi 30, ông trăn trở và quyết định tìm cách làm giàu với cây bưởi truyền thống vốn có sẵn nhiều lợi thế, ngay trên vùng đất quê hương mình.
"Người dân ở đây luôn trăn trở rằng làng Tân Triều rất đẹp, có lịch sử lâu đời, có nghề truyền thống với giống bưởi đặc biệt, nếu không biết làm giàu trên quê hương thì thật áy náy với chính mình" - ông Sơn bày tỏ.
Ông Ngô Văn Sơn được xem như “nghệ nhân” ở làng bưởi Tân Triều. Không chỉ làm giàu nhờ trồng bưởi, ông còn tạo ra những sản phẩm "độc lạ" từ trái bưởi vùng này
"Muốn đi xa phải đi cùng nhau"
Hiểu được câu "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", ông Sơn cùng một số người dân trồng bưởi tiêu biểu trong làng tập hợp lại, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Họ còn đến các vùng khác để tham khảo thêm về nghề trồng bưởi.
Từ đây, trên mảnh đất màu mỡ Tân Triều, với những kinh nghiệm quý giá của ông cha để lại cùng kỹ thuật canh tác hiện đại được áp dụng đúng cách, vườn bưởi của ông Sơn cũng như đa số hộ dân trong làng ngày càng cho sản lượng và chất lượng tăng dần.
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc tạo chuỗi khép kín từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm, thương hiệu bưởi Tân Triều đã được biết đến rộng rãi, thu nhập của người trồng nhờ đó cũng ngày càng tăng cao. Hiện tại, vườn bưởi 2 ha của gia đình ông Sơn mỗi năm thu về vài tỉ đồng.
"Bưởi Tân Triều đã có thương hiệu. Dù còn những khó khăn nhất định nhưng bà con trồng bưởi của Tân Triều đã có thể tự hào" - ông Sơn phấn khởi.
Không chỉ giỏi canh tác để có được sản phẩm đạt chất lượng cao, ông Sơn còn có nhiều sáng tạo, góp phần phát triển thương hiệu bưởi Tân Triều.
Cách đây chục năm, ông Sơn suy nghĩ phải làm sao để nâng cao giá trị và thương hiệu cho trái bưởi Tân Triều hơn nữa. Nghĩ là làm, ông bắt tay vào việc tạo hình, cho ra đời hàng loạt trái bưởi với hình thù độc đáo, bắt mắt: bưởi hồ lô, bưởi nổi hình các chữ Tài, Lộc, Phú, Quý hay hình bản đồ Việt Nam... Những sản phẩm này được nhiều người ưa thích, nhất là vào dịp Tết.
Ông Sơn cho biết đã học được "chiêu" này từ một hội làm vườn khi họ tạo hình với cây trái. Ông nhớ lại: "Tôi mất cả năm ròng rã mày mò, bỏ nhiều tiền để làm khuôn, xếp chữ… vẫn thất bại. Nhưng nhờ quyết tâm nên cuối cùng tôi cũng thành công. Mỗi năm, tôi tạo hình khoảng 1.000 trái bưởi, thường đạt khoảng 700 trái, đủ cung cấp cho những khách hàng đặt hàng trước".
Ngoài bưởi chính vụ cho thu nhập quanh năm, mỗi dịp lễ, Tết, ông Sơn lại thực hiện những sản phẩm bưởi tạo hình, bán với giá gấp 10 lần bưởi bình thường.
Ông Lê Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết bưởi Tân Triều loại 1 hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá khoảng 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng/chục (12 trái). Toàn xã Tân Bình hiện có khoảng 300 ha đất chuyên trồng bưởi và sẽ còn nhiều hộ dân giàu lên trong tương lai nhờ loại trái cây này.
Thương hiệu nổi tiếng
Theo sử liệu, vùng bưởi Tân Triều được hình thành vào năm 1870. Trước đó, khoảng năm 1869, một nhà thờ Công giáo nhỏ được dựng lên ở Tân Triều. Lúc ấy, cha xứ đã mang 2 cây bưởi từ Brazil sang trồng trước sân nhà thờ. Bưởi lớn nhanh, hằng năm sai trĩu quả. Người dân thấy vậy nhân giống trồng khắp làng.
Vùng Tân Triều hiện có hơn 20 giống bưởi: bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi ổi, bưởi đường núm, bưởi xiêm, bưởi thanh trà, thanh dây... Ðến nay, bưởi Tân Triều đã được chứng minh có những đặc điểm khác biệt so với bưởi trồng ở các khu vực khác.
Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "Bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều" cho Hội Làm vườn huyện Vĩnh Cửu (đại diện khoảng 600 hộ trồng bưởi). Bưởi Tân Triều cũng được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Theo Xuân Hoàng/Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/lam-giau-tu-trong-buoi-tan-trieu-20220405193545913.htm