Lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines tại thời điểm 31/12/2021 âm 21.979 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tiệm cận vốn góp của chủ sở hữu là 22.144 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021. Theo đó, doanh thu quý cuối năm 2021 của doanh nghiệp hàng không này đạt hơn 9.213 tỷ đồng, tăng 1.021 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Bất chấp số thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng, Vietnam Airlines vẫn phải kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp bị âm 1.108 tỷ đồng. Điểm sáng trong quý IV/2021 đến từ doanh thu tài chính tăng lên 749 tỷ đồng (tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ); chi phí bán hàng giảm mạnh từ 450 tỷ đồng xuống còn 249 tỷ đồng; thu nhập khác cũng tăng 35% lên thành 460 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và phần lỗ từ công ty liên doanh, liên kết tăng khiến lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines âm 1.184 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của hãng hàng không quốc gia đạt 28.093 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế âm 13.338 tỷ đồng, giảm 20%. Kết quả trên khiến lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của hãng tại thời điểm 31/12/2021 ghi nhận âm 21.979 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tiệm cận vốn góp của chủ sở hữu là 22.144 tỷ đồng.
(Biểu đồ: Văn Hưng).
Thực tế, việc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn còn dương 507 tỷ đồng nhờ được Quốc hội thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, công ty thực hiện đợt tăng vốn 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021, riêng SCIC nộp tiền mua cổ phần khoảng 6.880 tỷ đồng.
Sau phương án trên thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đồng ý cấp gói hỗ trợ tín dụng tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines với lãi suất 0%.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của hãng hàng không quốc gia đạt 63.106 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 14.374 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn 20.424 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 4/4, thị giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm 0,6%, về mức 24.900 đồng/đơn vị, khối lượng khớp lệnh đạt gần 2 triệu đơn vị. So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu HVN đã tăng 7,5%.
Theo Văn Hưng/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vietnam-airlines-lai-lo-nang-von-gop-chu-so-huu-bi-an-mon-gan-het-20220404114958827.htm