Sử dụng phương thức xuất khẩu truyền thống, mở doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu hay đứng trên vai “người khổng lồ” trong thương mại điện tử như Alibaba hay Amazon để đưa hàng Việt ra thế giới…., sẽ không có một phương án nào tuyệt đối cho doanh nghiệp Việt. Để thành công, nhà bán hàng cần tìm hiểu thị trường và cần có bước đi, cách làm phù hợp.
Bài học từ chính các doanh nghiệp
Chia sẻ câu chuyện thực tế làm thế nào đưa hàng Việt, đưa thương hiệu Việt ra thế giới, ông Lê Nguyễn Khánh Trình - Giám đốc Công ty cổ phần Khánh Trình cho biết, bắt đầu kinh doanh năm 2010, với sản phẩm chính là xà đơn ngay khi đưa ra thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đã đăng ký sáng chế tại hơn 60 quốc gia khác nhau.
Nâng cấp sản phẩm cho ra đời các sản phẩm tốt hơn và dần trở thành nổi tiếng ở Việt Nam. Vào năm 2015, doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng khai thác tiềm năng tiêu thụ sản phẩm bằng cách bán hàng trên website thương mại điên tử (TMĐT) toàn cầu.
Thương mại điện tử xuyên biên giới - kênh xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt
Đầu tiên, doanh nghiệp chọn Alibaba để tiếp cận khách hàng mua buôn trên thế giới nhưng không thành công vì đặc thù sản phẩm. Sản phẩm mới mẻ, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, người mua không biết chất lượng, nhu cầu thị trường không biết có tốt hay không nên doanh nghiệp rât khó thuyết phục nhà buôn nước ngoài nhập số lượng lớn.
Hơn nữa, các đơn vị buôn sỉ luôn có tâm lý tìm hàng giá rẻ với giá xuất xưởng để bán ra với thương hiệu của họ và thường so sánh với đơn vị sản xuất Trung Quốc - điều mà chúng ta không thể so sánh vì họ có quy mô lớn, giá thấp hơn. Vì vậy họ liên hệ hỏi chứ không mua.
‘Dù chúng tôi lập website quốc tế, lập đội bán, tăng lượng truy cập vào website nhưng cũng rất ít khách hàng mua sản phẩm do doanh nghiệp chưa có thương hiệu quốc tế và không ai muốn làm “chuột bạch” để thử sản phẩm sà đơn của chúng tôi’, ông Lê Nguyễn Khánh Trình kể lại.
Thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn Amazon là giải pháp được doanh nghiệp này đưa ra vào cuối năm 2016. Điều này đã đem lại thành công cho doanh nghiệp cho đến thời điểm này. Theo ông Lê Nguyễn Khánh Trình, trên Amazon hỗ trợ, cho phép người mua nhận toàn bộ tiền khi hàng kém chất lượng, sai mô tả hoặc người bán không gửi hàng.
Chính sách này thu hút người mua lớn kể cả với thương hiệu mới vì họ tin có đơn vị hỗ trợ quyền lợi phía sau. May mắn sản phẩm xà đơn xếp của Khánh Trình trên Amazon không cạnh tranh quá cao, do đó, người mua bằng cách nào đó vẫn tìm được dù doanh nghiệp chưa biết cách chạy quảng cáo.
‘Sau đó chúng tôi tập trung quảng bá những khác biệt của xà đơn Khánh Trình như: chất lượng tốt, thiết kế khác biệt, đã đăng ký nhiều nước. Trong thời gian ngắn doanh nghiệp bán được nhiều hàng, sau đó chúng tôi tìm cách giảm phí vận chuyển để tăng lợi nhuận. Lúc đầu ship trực tiếp từ Việt Nam nhưng xà đơn nặng nên phí khá đắt, sau đó chúng tìm các dịch vụ và các kho từ quốc gia khác, kể cả nơi rất xa, đảo quốc toàn cầu. Hiện nay sản phẩm đã gửi đến gần 80 nước’, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Năm 2017, sản phẩm bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài qua sàn Amazon và được khách quốc tế ưa chuộng vì an toàn, chất lượng, đa năng. Hiện sản phẩm đến được với khách hàng hơn 70 nước.
Trong khi Công ty cổ phần Khánh Trình chọn cách đứng trên vai "người khổng lồ" để tiếp cận thị trường 70 quốc gia, thì có những doanh nghiệp lựa chọn phương thức mở doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài.
Là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu theo phương thức truyền thống và sau một thời gian doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ trong đó có thị trường nước ngoài, ông An Long Nguyễn - Giám đốc Việt Nam - LogoZen LLC (Mỹ) - cho biết, cuối năm 2018 chúng tôi thành lập công ty tại Mỹ chuyên về bán lẻ, phân phối hàng Việt Nam ra thế giới. Hiện công ty có văn phòng tại Mỹ, kho bãi tại Việt Nam, châu Âu... đang phân phối cho nhiều đối tác bán lẻ, trên sàn TMĐT cũng có như Amazon...
Chia sẻ về những khó khăn, rủi ro cũng như thách thức khi bán hàng trên các sàn TMĐT quốc tế, ông An Long Nguyễn cho rằng có không ít thách thức với doanh nghiệp Việt.
Khi tham gia các sàn TMĐT quốc tế, như Amazon, có hàng triệu người bán hàng từ các nơi thế giới, rào cản gia nhập thấp điều này tạo cuộc cạnh tranh lớn về giá, đặc biệt, khi hàng Việt Nam phần lớn là hàng giá trị thấp, chưa có thương hiệu so với thế giới, nên khi mang hàng ra nước ngoài gặp hiện tượng phổ biến là các doanh nghiệp quốc tế vẫn bán hàng của chúng ta, nên ta cạnh tranh với chính chúng ta.
Mặt khác, khi khác lãnh thổ, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp sẽ cập nhật xu hướng thị trường như thế nào? Hiện các sàn TMĐT có nhiều công cụ để nghiên cứu nhưng theo ông An Long Nguyễn, việc này không thể thay thế cảm nhận kinh doanh, nên sẽ rất khó chính xác, chưa kể việc vận chuyển hàng mất 1-2 tháng mới sang đến nơi.
So với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt gặp nhiều vấn đề về logistics - tàu hàng không đi thẳng Mỹ mà phải qua Trung Quốc. “Đây cũng là lý do khiến Trung Quốc mua hàng của chúng ta xong bán trên Amazon lại rẻ hơn chúng ta bán trên Amazon”, ông An Long Nguyên nói.
Mặc dù Nhà nước đưa nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng còn một số điểm doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về thuế, hay khi chuyển tiền về phải qua nhiều khâu, như tỷ giá bất lợi cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần trang bị chuyển đổi số, như Amazon công nghệ hiện đại, nhưng để đáp ứng về kỹ thuật không dễ, chúng ta cần luyện tập để hàng hóa vào ra tốt. Các vấn đề khác như bảo vệ thương hiệu, chăm sóc khách hàng thế nào khi khách hoàn trả, rồi hàng tồn thanh lý thế nào cũng là những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý.
Sẽ không có công thức chung cho mọi doanh nghiệp
Bà Vũ Thị Thư - đại diện Tiki - cho rằng, thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn khi tham gia TMĐT. Sẽ không có một phương án nào tuyệt đối cho doanh nghiệp Việt. Để thành công, nhà bán hàng cần tìm hiểu quy luật từng sàn, khi đã bước chân vào mỗi sàn thì cần xây dựng cho mình sự quyết tâm.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhận định, không phải doanh nghiệp nào tận dụng TMĐT đều thành công, thất bại cũng có, thách thức không ít, sự cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi tiền tài, kỹ năng, chiến lược, quy trình tham gia, mặt khác doanh nghiệp cũng dễ đối mặt với rủi ro pháp lý. Rõ ràng, để thành công, các nhà bán hàng cần học những cái rất căn bản cộng thêm những va vấp thực tiễn.
Hiện, Chính phủ và các Bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho kinh tế số, TMĐT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về bảo vệ quyền riêng tư, quyền lợi người tiêu dùng, xuyên biên giới càng phức tạp, bên cạnh đó là đảm bảo độ tin cậy trong giao dịch điện tử, thể chế thích ứng các mô hình kinh doanh.
Kinh nghiệm và bài học của những “người chơi” thật trên thị trường sẽ là giải pháp thiết thực cho những doanh nghiệp đang hoặc có ý định gắn bó với TMĐT.
Hiện doanh thu của Công ty cổ phần Khánh Trình đạt 3-4 triệu USD mỗi năm. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ phát triển sâu rộng các thị trường mới như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Australia....
Bài học thực tế từ chính người trong cuộc, các doanh nghiệp cho rằng, đưa hàng Việt ra thị trường thế giới muốn thành công cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ, uy tín người bán, cách định vị thương vị. Quan trọng nhất, cần đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc đăng ký thương hiệu tránh việc bị ăn cắp, làm nhái. Mặt khác, doanh nghiệp bắt đầu cần có kế hoạch dài hạn, vừa học vừa làm và tốt nhất là có sự hỗ trợ.
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/dua-hang-viet-ra-the-gioi-cach-nao-de-thanh-cong-173978.html